Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Có nên thành lập cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm?
(Cadn.com.vn) - Nên thành lập đơn vị thuộc Chính phủ chuyên trách quản lý về an toàn thực phẩm hay giữ nguyên mô hình 3 Bộ (Y tế, NN&PTNT, Công Thương) cùng quản lý là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận chiều 5-6 về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên thảo luận. |
TRANH LUẬN VỀ MÔ HÌNH QUẢN LÝ
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề lớn, trong bối cảnh hiện nay, việc quản lý nhà nước chưa thể giao cho một bộ, ngành, vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 ngành Y tế, Công Thương, NN&PTNT. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực cho cấp xã để thực hiện công tác phòng ngừa. Thực tế cho thấy, địa phương nào thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ở đó hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nêu thực tế mô hình an toàn thực phẩm tại Trung ương và địa phương đang có nhiều đầu mối. Đại biểu đề nghị cần tiếp tục phân tích sâu hơn về hiệu quả của mô hình quản lý hiện nay: điểm mạnh, điểm yếu của mô hình, nhất là có sự chồng chéo về chức năng trong việc ban hành văn bản pháp luật: đồng thời, cần có sự so sánh với một số nước, nhất là với các quốc gia có điều kiện xuất nhập khẩu sản phẩm tương đồng, đang làm tốt về công tác an toàn thực phẩm.
Cả nước chỉ có vài trăm người quản lý về an toàn thực phẩm Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhân lực là yếu tố quan trọng nhất. Với khối lượng công việc nhiều, nếu không tăng biên chế sẽ không thể giải quyết được hết. Hiện, cả nước chỉ có 350 người quản lý nhà nước ở cấp Trung ương về an toàn thực phẩm; cấp tỉnh, cấp huyện chỉ có 250 người, chủ yếu là kiêm nhiệm; cấp xã chỉ có một người ở trạm y tế xã. Đột phá khó nhất chính là tài chính, biên chế không tăng, đầu mối không thêm, phải xã hội hóa nguồn nhân lực và tận dụng lực lượng bán chuyên trách ở cấp xã - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. |
Nhất trí với việc cần nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ: Hiện còn rất nhiều đầu mối quản lý về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm nên cần thống nhất về một đầu mối cơ quan chịu trách nhiệm thuộc Bộ Y tế hoặc Bộ NN&PTNT. Không thống nhất về việc thành lập Ban bảo vệ an toàn thực phẩm chuyên trách, đại biểu cho rằng chỉ nên thực hiện thí điểm, đồng thời cho phép các địa phương dùng số tiền xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm cùng kinh phí Nhà nước để thực hiện các yêu cầu của công tác này.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề xuất cần có cơ quan độc lập trực tiếp giúp Chính phủ theo dõi vấn đề an toàn thực phẩm. Cơ quan này gồm các chuyên viên của 3 Bộ được phân công trách nhiệm về an toàn thực phẩm, có chức năng quản lý xuyên suốt chuỗi thực phẩm, có đủ năng lực pháp lý, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, vừa qua có rất nhiều báo động về nồng độ thạch tín trong nước uống, ô nhiễm nguồn nước, môi trường trồng trọt, vì vậy việc cần thiết có cơ quan quản lý độc lập, thống nhất, với thành phần không chỉ thuộc các Bộ được giao quản lý, còn bao gồm các lĩnh vực môi trường, khoa học, công nghệ đang ngày càng trở nên quan trọng.
Giải trình, làm rõ nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Hiện, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam khá đồng bộ và đầy đủ nhưng tình trạng mất an toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc và vi phạm vẫn xảy ra. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đó là mức xử lý trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, mức phạt trung bình 200.000 đồng là quá thấp, không đủ răn đe; kể cả trường hợp để xảy ra chết người, theo Bộ Luật Hình sự cũng chưa thể truy tố được. Sắp tới, Bộ sẽ kiến nghị nội dung này.
KHÓ THÀNH LẬP CƠ QUAN CHUYÊN TRÁCH
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Trước thực trạng đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua, Chính phủ đã làm việc với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lương thực Thế giới... để tiến hành nghiên cứu độc lập về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Về mặt luật pháp liên quan vấn đề an toàn thực phẩm phải thường xuyên đánh giá, sửa đổi, nhất là với các văn bản dưới luật. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng như các chuyên gia quốc tế đánh giá hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam hiện đi đầu trong khu vực về độ hiện đại, tiếp cận đúng xu thế thế giới nhưng về năng lực tổ chức thực hiện, Việt Nam chưa theo kịp, trong đó có vấn đề mô hình quản lý.
Theo Phó Thủ tướng, ở Việt Nam rất khó thành lập một cơ quan quản lý chuyên trách về an toàn thực phẩm thuộc Chính phủ hay một Bộ vì một nhóm hàng liên quan đến quản lý của nhiều bộ, ngành như nông nghiệp, y tế, công thương... Mô hình quản lý ở các nước là quản lý chia theo từng việc, từng nội dung cho các Bộ, ngành và có cơ chế điều phối chung. Hiện, Việt Nam có cơ chế điều phối chung ở dạng Ban chỉ đạo thuộc Chính phủ, cấp tỉnh hoặc cấp huyện nhưng nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa hiệu quả, vấn đề này không chỉ với an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã có chương trình phối hợp hành động về đảm bảo an toàn thực phẩm; có 43 tỉnh đã triển khai chương trình phối hợp, thực hiện hàng ngàn cuộc thanh tra, giám sát ở các cấp. Đây là chương trình cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới và huy động cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc.
Nhận định an toàn thực phẩm là vấn đề lớn và cần nhiều nỗ lực, Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đã xác định cần nỗ lực kiên trì, trên tinh thần khắc phục những khó khăn, hạn chế về chính sách, pháp luật, kinh phí, trang thiết bị... Nếu có sự nỗ lực, kiên trì với trách nhiệm cao của những người đứng đầu, cũng như các cấp, các ngành sẽ đạt kết quả tốt hơn trong đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trần Vinh- Vũ Hưng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng: Việc truy xuất nguồn thực phẩm chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là đối với nhóm thực phẩm tươi sống. Đây là nội dung then chốt để kiểm soát được thực phẩm bẩn, nếu chúng ta không thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thì bài toán về an toàn thực phẩm khó có lời giải. Bà Yến cho rằng, báo cáo kết quả giám sát đã có nhận định quy định trong Luật An toàn thực phẩm về truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay là chưa phù hợp với thực tế, chưa khả thi, cần phải xem xét sửa đổi. Đại biểu Yến cũng thẳng thắn cho rằng việc truy xuất nguồn thực phẩm là quy định khó thực hiện nhưng cần phải chỉ đạo và tập trung thực hiện cho bằng được mới mong chúng ta từng bước kiểm soát được thực phẩm bẩn. Để thực hiện vấn đề này, ĐB Yến đề xuất 3 giải pháp. Thứ nhất, cần phải nghiên cứu ban hành quy định hàng hóa thực phẩm lưu thông, mua bán trên thị trường bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ, một mặt để quản lý ATTP thông qua nguồn gốc xuất xứ, mặt khác quản lý được thuế và chống tiêu cực trong việc tính thuế khoán doanh thu; Thứ hai, phải quản lý chặt chẽ việc kinh doanh chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, không thể để buôn bán lẻ tràn lan như hiện nay, tự do sang chai nhỏ, gói nhỏ không có thông tin về sản phẩm, cách dùng…; Thứ ba, cần ban hành văn bản hướng dẫn sản xuất, buôn bán sản phẩm không bao gói sẵn buôn bán trên thị trường. |