Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Bảo vệ và hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển

Thứ năm, 08/06/2017 07:29

(Cadn.com.vn) - Chiều 7-6, Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận về dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và Luật thủy sản (sửa đổi). Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận tại tổ 3 cùng với các Đoàn: Nghệ An, Lai Châu và Trà Vinh.

Đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và Luật thủy sản (sửa đổi).

Tham gia thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi luật này để đảm bảo đáp ứng kịp thời những chủ trương, chính sách và thực tiễn yêu cầu hiện nay đang đặt ra. Về tên gọi của dự thảo luật, ĐB đề nghị lấy tên gọi là “Luật Lâm nghiệp”, bởi phạm vi điều chỉnh của dự án luật là toàn bộ các hành vi quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, mặt khác, theo cách giải thích từ ngữ tại khoản 1, Điều 3 thì lâm nghiệp bao gồm cả sử dụng, phát triển, bảo vệ rừng và kinh doanh chế biến thương mại lâm sản...; trong khi đó, cách giải thích từ ngữ về rừng tại khoản 2, Điều 3 thì rừng là hệ sinh thái. Do đó, theo ĐB việc lấy tên Luật Lâm nghiệp là ngắn gọn, dễ hiểu, bao quát đủ các nội dung Luật, phù hợp với quản lý ngành theo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm xây dựng luật của phần lớn các quốc gia khác.

ĐB Sơn cũng cho rằng, dự thảo luật chủ yếu tập trung quy định những vấn đề có liên quan đến bảo vệ, quản lý rừng mà chưa đề cập nhiều đến các vấn đề có liên quan đến việc phát triển rừng như: giao đất để trồng rừng, chính sách ưu tiên hỗ trợ cho trồng rừng... Do đó, ĐB đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm nội dung phát triển rừng vào dự thảo luật này. Theo ĐB Sơn, hiện nay loại hình du lịch sinh thái rất được ưa chuộng. Tuy nhiên việc khai thác du lịch sinh thái rất dễ bị lợi dụng, tác động tiêu cực đến sự bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, cần phải quy định chặt chẽ vấn đề này. Ngoài ra, ĐB đề nghị bổ sung quy định về việc thu phí đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng rừng để phát triển du lịch sinh thái, khoản phí này dùng để bảo vệ và phát triển rừng.

Về dự thảo Luật thủy sản (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, dự thảo luật này có quá nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT hướng dẫn chi tiết thi hành. ĐB đề nghị rà soát, cân nhắc lại các quy định này theo hướng những vấn đề gì rõ, có thể cụ thể hóa được thì cần quy định ngay trong luật này. Liên quan đến Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lực thủy sản, ĐB Thúy đề nghị cần có sự đánh giá rõ hiệu quả của Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản theo Luật năm 2003... để có cơ sở quy định trong luật này và đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Về lực lượng Kiểm ngư, ĐB Thúy thống nhất với loại ý kiến thứ nhất tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là đề nghị duy trì lực lượng Kiểm ngư trung ương (có các chi cục tại các vùng – gọi tắt là Kiểm ngư vùng) như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh. Tán thành với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, thực tế thời gian qua lực lượng Kiểm ngư vùng đang hoạt động rất có hiệu quả nên chăng cần có sự quan tâm hơn đối với lực lượng này.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, dự thảo Luật mới tập trung cho việc khai thác ven bờ. Trong khi đó, mục tiêu của chúng ta là vươn khơi xa để phát triển kinh tế biển, đồng thời, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do đó, ĐB đề nghị cần có những quy định cụ thể để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân trong việc vươn khơi bám biển ngay trong luật này.

* Sáng 7-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các đại biểu nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu cũng như đề xuất những giải pháp trọng tâm để giải quyết thực trạng nợ xấu hiện nay.

Trần Vinh – Vũ Hưng