Kỹ nghệ sao chép vũ khí của Trung Quốc
(Cadn.com.vn) - Từ lâu, Trung Quốc đã được coi là bậc thầy trong kỹ nghệ "nhân bản" vũ khí hiện đại, thường là "sao y bản chính" của Nga, Mỹ và các nước phương Tây.
Theo Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ (UNI), Trung Quốc lâu nay vẫn nổi tiếng hơn trong lĩnh vực "nhân bản", từ túi xách, điện thoại thông minh cho đến phim ảnh hay các thị trấn Châu Âu y như thật.
Ngành công nghiệp "nhân bản" vũ khí
Một trong những ngành công nghiệp "nhân bản" bận rộn và thu về lợi nhuận cao nhất của Trung Quốc là sao chép sản xuất các hệ thống vũ khí. Nước này thành công trong việc sao chép các loại vũ khí hiện đại của Mỹ, kể cả máy bay tấn công kết hợp và siêu máy bay không người lái X-47B, siêu tiêm kích F-35 (UCAV)… Công nghệ được sử dụng trong thiết kế các loại khí tài này Trung Quốc có được là nhờ chiến thuật gián điệp mạng.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, tin tặc quân đội Trung Quốc thực hiện nhiều thủ thuật thành công trong việc đánh cắp tài liệu kỹ thuật của quân đội Mỹ. Các tài liệu kỹ thuật này rất hiệu quả, được chuyển đổi thành các phiên bản vũ khí mới nhất của Trung Quốc. Nhà Trắng lo ngại, việc Bắc Kinh có được những thông tin kỹ thuật và công nghệ mới này không chỉ gây hại cho Washington mà còn khiến các đồng minh, những nước mua vũ khí của Mỹ cũng bị vạ lây. Vì vậy, gần đây Lầu Năm Góc quyết định ngưng xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor do hãng Lockheed Martin sản xuất.
Cá mập bay Shenyang J-15 của Trung Quốc (trái) "sao y bản chính" tiêm kích Sukhoi Su-33 của Nga. |
Lật ngược tình thế
Không chỉ có Mỹ là nạn nhân, nhiều quốc gia khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, trong đó có Nga. Suốt thời gian dài hợp tác, Moscow quá tin Bắc Kinh và không mảy may để ý đến hành động "sao chép" của người anh em.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga cần tiền nên bán tháo máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27. Bắc Kinh mua 20 máy bay chiến đấu Su-27 nhưng sau đó lại thương lượng Moscow cấp giấy phép để lắp ráp bổ sung trong nước bằng các chi tiết chính nhập khẩu từ Nga. Và chỉ trong vòng vài năm, Trung Quốc lật ngược thế cờ, tuyên bố các máy bay chiến đấu của Nga không còn đáp ứng nhu cầu và hủy hợp đồng. Bắc Kinh thậm chí còn ngay lập tức cho ra mắt dòng máy bay tương tự mang tên Shenyang J-11B, được "nhân bản vô tính" từ Sukhoi Su-27.
Nga tiếp tục sử dụng tiền từ bán vũ khí cho Trung Quốc để phát triển công nghệ mới, và sau đó lại bị Bắc Kinh đánh cắp. Sau nhiều chương trình làm ăn với Moscow, Trung Quốc nhanh chóng đảo ngược tình thế, quay ra thiết kế vũ khí mới dựa trên công nghệ Nga. Cuối cùng, vì lo ngại bị đánh cắp công nghệ, Moscow đã từ chối yêu cầu mua vũ khí hiện đại nhất từ Bắc Kinh. Như "sát thêm muối vào vết thương Nga", Trung Quốc hiện còn nuôi tham vọng xuất khẩu vũ khí nhái ra thị trường quốc tế, với giá rẻ hơn vũ khí của Moscow.
Mặc dù vũ khí "nhân bản" của Trung Quốc đánh cắp từ Mỹ chưa nhiều, chưa thể đạt đẳng cấp như mong muốn, nhưng giới quân sự và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng rất lo ngại, nhất là nguy cơ gián điệp không gian ngày càng tinh vi, phức tạp, có thể giúp Bắc Kinh cải thiện được kho vũ khí hiện có, cho ra đời máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 giống như F-22 và F-35.
Kim Hùng
(Theo Usninews)