Mưa lũ liên tục, cầu đường miền Trung thiệt hại nặng nề

Thứ ba, 19/11/2013 12:46

(Cadn.com.vn) - Mưa bão và lũ liên tục vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cầu đường miền Trung. Không chỉ ảnh hưởng đến tình hình lưu thông của phương tiện, thiệt hại nặng về kinh tế mà sức tàn phá của những đợt lũ lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của các công trình. Ngay khi vừa khắc phục hậu quả của các cơn bão từ số 5 đến số 11 với kinh phí đảm bảo giao thông bước 1 lên tới khoảng 47 tỷ đồng thì đợt mưa kéo dài cộng với thủy điện xả lũ cấp tập từ ngày 14 đến 16-11 dự kiến sẽ gây thiệt hại thêm hơn 20 tỷ đồng cho hệ thống cầu đường.

CHƯA KỊP SỬA ĐÃ BỊ PHÁ

Chiều 18-11, ông Phan Thái – Phó Tổng giám đốc Khu quản lý Đường bộ 5 (QLĐB5) cho biết, các tuyến giao thông do đơn vị quản lý cơ bản đã thông tuyến bước 1 nhưng các đơn vị chức năng phải mất thời gian rất lâu mới có thể khắc phục hoàn chỉnh ở những vị trí hư hỏng nghiêm trọng. Thống kê sơ bộ từ các địa phương, hầu hết các tuyến đường huyết mạch như QL1A (đoạn Đà Nẵng - Phú Yên), đường Hồ Chí Minh (đoạn Quảng Nam - Kon Tum), QL24 nối Quảng Ngãi với Kon Tum, QL19 nối Bình Định với Gia Lai... đều sạt lở nặng và ngập tắc nhiều đoạn do lượng mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ liên tục trong thời gian dài.

Trong đó, QL19 bị sạt lở 4 điểm nằm trên lý trình Km61- Km67 (đèo An Khê) thuộc tỉnh Bình Định. Đường Hồ Chí Minh đoạn Quảng Nam – Kon Tum bị sạt taluy dương tại các vị trí Km1335+100, Km1348+350, Km1385+600, Km1403. Riêng đối với QL1A từ Đà Nẵng đến Phú Yên bị ngập sâu hàng trăm đoạn. Ông Thái cho biết, cầu Bình Định tại km 1211+453 trên tuyến tránh thị trấn Bình Định là địa điểm bị xói lở, hư hỏng nghiêm trọng nhất.

Cầu này bị đứt đường đầu cầu phía Nam với chiều dài khoảng 25m, phía Bắc cũng bị xói sâu khiến giao thông tê liệt trong nhiều giờ liền, đến sáng 18-11 mới khắc phục tạm thời để cho xe qua lại. Tiếp đó, cầu Vinh Kim 1 Km1213+341 QL1A (Bình Định) bị xói toàn bộ 1/4 nón mố cầu, cầu Kênh Km 1051+450 QL1A (Quảng Ngãi) bị xói hàm ếch 1/2 nền đường đầu cầu, cầu Huỳnh Kim Km 1212+431 (Bình Định) xói lở 1/4 nón + bờ chài trước mố Nam phía phải tuyến.

Dù đã được khắc phục tạm thời nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian và kinh phí mới có thể sửa chữa hoàn chỉnh hư hỏng nghiêm trọng tại cầu Bình Định. Ảnh: Khu QLĐB5

Trong khi đó với hàng trăm điểm ngập trên QL1A, QL19 cùng hàng chục nghìn mét khối đất đá sạt lở trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, hệ thống đường từ Đà Nẵng đến Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên cũng bị tê liệt trong một thời gian dài khiến giao thông bị ngưng trệ. Tại QL19, nguy hiểm nhất là hiện tượng sụt lở hết nửa mặt đường với 11.000m3 đất đá tại đèo An Khê (Km61-Km67), đến nay mới chỉ thông xe 1 làn và taluy âm tại Km64+550 và Km 65+600 với kích thước dài 65m, rộng 2m, sâu 30cm. Quốc lộ này bị sạt tới 12 điểm.

Đường Hồ Chí Minh đoạn H. Phước Sơn (Quảng Nam) đi Kon Tum cũng bị sạt taluy dương 14 điểm với khối lượng 7.500m3 đất đá. QL14G từ Đà Nẵng đi Đông Giang ngoài việc bị sạt taluy dương với 4.000m3 do đất đá từ trên núi đổ xuống thì toàn bộ kè, rọ đá phía taluy âm mới được khắc phục tạm thời từ các cơn bão trước tại Km24+900 đã bị trôi hoàn toàn.

Mưa lũ lớn làm đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam xuất hiện
nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, đến nay chỉ mới khắc phục tạm thời. Ảnh: Khu QLĐB5

ẢNH HƯỞNG ĐẾN TUỔI THỌ CẦU ĐƯỜNG

Ngay trong và sau lũ, các đơn vị, địa phương đã triển khai phương án khắc phục, đảm bảo giao thông. Đến ngày 18-11, công tác khắc phục đảm bảo giao thông trên các tuyến QL qua địa bàn miền Trung – Tây Nguyên đã hoàn thành cơ bản với việc thông xe hoàn toàn hoặc thông xe 1 làn. Riêng đối với sự cố cầu Bình Định, trong 2 ngày qua, Khu QLĐB5 đã huy động Cty CP Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Bình Định và Cty TNHH MTV Minh Thảo tập trung 24/24 giờ chở đá hộc lấp chặn đoạn đường đầu cầu bị đứt. Sau thời gian các phương tiện phải đi vào đoạn QL1A cũ (qua thị trấn Bình Định), hiện cầu này đã thông xe kỹ thuật.

Theo ông Phan Thái, đối với các vị trí bị hư hỏng nghiêm trọng, sau khi khắc phục bước 1 là sử dụng các phương án tạm thời để có thể lưu thông thì chủ đầu tư và các nhà tư vấn phải bắt tay ngay vào tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra phương án sửa chữa phù hợp với đặc điểm của công trình. Trong số này, cầu Bình Định và điểm sạt trên đèo An Khê là những điểm mất thời gian và tốn kinh phí nhất.

Theo các đơn vị như Cty CP Quản lý xây dựng đường bộ Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình Định và Cty TNHH MTV Gia Lai thì ngoài thiệt hại chỉ tính riêng cơn bão số 15 là khoảng hơn 20 tỷ đồng, điều đáng lo ngại nhất là với nhiều điểm ngập sâu trong thời gian dài và sạt lở nặng xâm hại đến kết cấu thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình.

“Nhiều cơn bão, trận lũ đến liên tục khiến nhiều công trình chưa khắc phục xong đã bị phá hủy. Đặc biệt, đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 15 đến 17-11 xảy ra trên diện rộng và nguy hiểm hơn nhiều, các công trình bị tác động nghiêm trọng, phải mất một thời gian rất dài mới có thể khắc phục hoàn chỉnh”, ông Phan Thái cho hay.

Công Khanh