NATO trong cuộc chiến với Nga

Thứ sáu, 03/10/2014 10:32

(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh cuộc đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin trở nên gay gắt quanh vấn đề Ukraine, NATO đang nỗ lực "quay trở lại sức mạnh cốt lõi", Jaap de Hoop Scheffer, cựu Tổng thư ký NATO cho biết. Nhưng dường như liên minh chưa được chuẩn bị để làm điều này. Và điều này khiến tương lai Châu Âu gặp nguy hiểm.

Trong diễn biến gay gắt nhất giữa Nga và NATO, Mỹ - dẫn đầu liên minh quân sự này - tuyên bố sẽ triển khai binh sĩ và xe tăng đến 3 nước Baltic và Ba Lan trong thời gian đến nhằm chuyển tải thông điệp của NATO đến Nga.

Ngày 2-10, NATO lại giáng đòn mạnh mẽ tiếp theo nhằm vào Moscow tân Tổng Thư ký Jens Stoltenberg nói rằng, lệnh ngừng bắn tại Ukraine mang đến cơ hội, song Nga vẫn có khả năng gây bất ổn cho quốc gia láng giềng này. Điều người ta chờ đợi là phản ứng của Moscow đáp lại những động thái khiêu khích này của NATO.

Cuộc khủng hoảng Ukraine càng khiến mối quan hệ NATO-Nga thêm căng thẳng. Ảnh: Reuters

"Nhiệm vụ" của NATO

Khi NATO được thành lập năm 1949, nhiệm vụ trọng tâm được xác định là bảo vệ các thành viên chống xâm lược quân sự và thúc đẩy dân chủ - mà trong những năm tiếp theo chủ yếu là chống Liên Xô.

Liên minh tuyên bố thành công trong việc đạt mục tiêu đó một cách hòa bình, khi cho rằng, "trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh, các lực lượng NATO không tham gia vào cam kết quân sự duy nhất". Nhưng mọi thứ thay đổi sau Chiến tranh Lạnh. Trọng tâm không còn là Nga. NATO cho biết "nhiều mối đe dọa mới" xuất hiện. Liên minh tham gia quân sự ở Bosnia và Herzegovina trong những năm 1990, và sau đó ở Macedonia. NATO cũng thành lập lực lượng quân sự tại Afghanistan, có lực lượng tương đối lớn tại Somalia và một số khu vực khác của Châu Phi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Nga đang gia tăng tiếp cận, và đang tiến gần NATO. Moscow chào đón bán đảo Crimea trở về và bị cáo buộc gửi quân vào miền đông Ukraine hỗ trợ quân nổi dậy, tuyên bố mà Moscow luôn bác bỏ. Vì vậy, như tờ Financial Times viết, sau 55 năm tồn tại, NATO nhận thấy chính mình "quay trở lại tương lai". "Vấn đề của NATO là liệu liên minh này có hoàn toàn sẵn sàng bảo vệ các thành viên", Robin Niblett, Giám đốc cố vấn Chatham House, nói với CNN. Sự chuẩn bị về mặt quân sự của NATO là "không đáng kể so với sức mạnh Nga".

Ukraine đang tìm sự giúp đỡ của NATO để giải quyết khủng hoảng ở miền đông. Dù Kiev không phải là thành viên của liên minh, "các nhà lãnh đạo mới của Kiev muốn trở thành thành viên mới" - động thái chọc giận Điện Kremlin.

NATO phải làm gì tiếp theo?

NATO muốn 28 quốc gia thành viên dành 2% GDP cho quốc phòng. Trong khi Mỹ và Anh đạt được mục tiêu này, 24 quốc gia thành viên còn lại thì không. Hiện các nước đang có tâm lý rằng "Chiến tranh Lạnh đã qua đi và họ nên tập trung vào đầu tư trong nước", Niblett nói. Vì vậy, John Mearsheimer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho rằng, cải cách là điều sống còn hiện nay đối với NATO.

"Mỹ và các đồng minh Châu Âu chia sẻ hầu hết các trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng. Gốc rễ của sự việc là mở rộng NATO, yếu tố trung tâm của chiến lược lớn hơn nhằm di chuyển Ukraine ra khỏi quỹ đạo của Nga và liên kết với phương Tây. Đồng thời, mở rộng của EU về phía đông và sự ủng hộ của phương Tây đối với phong trào ủng hộ dân chủ ở Ukraine ... cũng là những yếu tố quan trọng", ông Mearsheimer viết trên tờ Foreign Affairs. James Stavridis, cựu đô đốc Hải quân, cho rằng, đến lúc NATO cần thay đổi. "Đó là vấn đề của tái đòn bẩy tài chính và triển khai thực hiện các căn cứ ở phía đông", ông nói.

Tuy nhiên, Nga cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Ukraine là hậu quả, chứ không phải nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng an ninh tại Châu Âu. Và việc mở rộng NATO là một sai lầm, hành động khiêu khích, ở mức độ nào đó, là chính sách vô trách nhiệm, phá hỏng cam kết xây dựng hệ thống an ninh thống nhất ở Châu Âu.

An Bình

(Theo CNN)