Người bảo lãnh thanh niên lầm lỡ

Thứ tư, 08/03/2017 10:28

(Cadn.com.vn) - “Chúng nó, đứa thì trộm cắp, đứa nghiện ma túy lại có đứa đánh người gây thương tích... Tuổi trẻ bồng bột, có thể một phút không làm chủ bản thân mình nên  sa ngã. Nếu cứ nhìn chúng với ánh mắt ghẻ lạnh, nếu không có niềm tin, không cho chúng một cơ hội, làm sao chúng đứng dậy và tiến bộ”-ông Ngô Văn Tặng, đội trưởng Dân phòng Cơ động P.An Khê- Q.Thanh Khê- TP Đà Nẵng đã chia sẻ quan điểm của mình khi quyết định  nhận những thanh niên lầm lỡ vào làm dân phòng.

Ông Tặng (giữa) hỏi thăm tình hình người dân trong một ca trực đêm.

Đội dân phòng Cơ động của P.An Khê hiện có 4 thanh niên từng nghiện ma túy, vi phạm pháp luật. Trước đó một số thanh niên đã xin được việc làm ổn định. Lê Viết Thành Nhân từng là thanh niên hư hỏng, gia đình không quản lý được, được ông Tặng đưa vào đội dân phòng để kèm cặp, rèn giũa. “Qua tay” ông Tặng, Nhân tiến bộ rất nhanh, bây giờ đã xin được việc làm ở một công ty sản xuất cửa nhựa trên địa bàn với mức lương hơn 4 triệu/tháng. Trường hợp của Nguyễn Quý Vĩnh Tài gia đình khó khăn, bị bạn bè rủ rê nên sử dụng ma túy, ông Tặng hiểu được hoàn cảnh cũng kiên quyết đưa vào đội dân phòng để... giáo dục. Tài bây giờ rất tiến bộ, đầy nhiệt huyết, xông pha, bất kể đêm ngày có việc kêu là có mặt liền. Còn Trần Thành Đạt, Võ Ngọc Lam, Lương Quý Ngọc, Lê Văn Xuân Vũ... cũng từng “chinh chiến” với nhiều vi phạm nhưng sau thời gian được ông Tặng nhận vào đội dân phòng, tất cả nay đã tiến bộ. Ông Tặng chia sẻ, khi nhận những thanh niên lầm lỡ vào đội dân phòng, nhiều ý kiến tỏ ra e ngại, ông cũng đắn đo nhiều. Rồi ông tự đặt câu hỏi, giả sử bản thân mình là người lầm lỡ, nếu không có sự tin tưởng từ mọi người, liệu có vượt qua được hay không? Vậy thì, tại sao mình không tiếp cho họ một cơ hội. Và khi quyết định nhận những thanh niên lầm lỡ, ông Tặng đã phải tranh luận gay gắt, thậm chí to tiếng để bảo vệ quan điểm, quyết định của mình.

Ông Tặng cùng đội dân phòng đi tuần tra đêm.

Nhận vào thì dễ, nhưng phải làm gì để các cháu tiến bộ, để cho người khác thấy niềm tin của mình đặt đúng chỗ, đó là điều ông Tặng rất trăn trở. Và ông quyết lấy bản thân mình làm bài học để giáo dục, rèn luyện cho những thanh niên lầm lỡ. Hơn 30 năm làm an ninh dân phố rồi dân phòng, ông Tặng luôn thể hiện nhiệt huyết trong công việc. Ở tuổi 60 nhưng ông không bỏ tuần tra ca nào, bất kể những đêm mưa gió hay ngày nghỉ lễ. Ông bảo, cái “máu” ưa chạy long nhong ngoài đường, trong các con kiệt, hẻm khó bỏ lắm. Cả năm, chỉ đêm giao thừa ông mới ở nhà với gia đình. Nửa đêm, dù không phải ca trực, nhưng có người dân gọi điện báo có vụ việc xảy ra, thế là ông tức tốc phóng xe tới hiện trường để giải quyết. Nhiều vụ việc gia đình mâu thuẫn, đêm hôm cãi nhau to tiếng, người dân gọi báo, ông cũng tới khuyên giải, trấn tĩnh. Có vụ  thanh niên tụ tập gây rối, ông tới hiện trường, hỗ trợ công an giải tán đám đông, khống chế đối tượng khi có lệnh. Tính tình khẳng khái, đã làm gì là phải quyết liệt, phải nhiệt huyết, không vị nể dù người nhà hay hàng xóm. “Khi làm việc tôi không sợ mất lòng ai, điều quan trọng là phải giải thích để họ hiểu mình làm vậy là đúng”-ông Tặng nói. Có lẽ cũng vì cái sự máu lửa ấy mà không ít lần ông va chạm, bị các đối tượng quá khích mang dao tìm tới tận nhà hù dọa. Nhưng ông bảo không sợ, nếu sợ đã không làm. Vì nhiệt huyết với công việc, tận tình với mọi người, nên ông được các thành viên trong đội dân phòng kính nể. Nhiều thanh niên noi gương sống, cách làm việc của ông để rèn luyện, nỗ lực tiến bộ. Không chỉ là người tạo cơ hội cho thanh niên lầm lỡ, nhận trách nhiệm với gia đình họ để kèm cặp tiến bộ, ông Tặng còn nhiệt tình tìm việc làm cho các em. Ông bảo, xin việc cho người bình thường đã khó nói gì những người từng vi phạm, vất vả lắm, nhưng không phải là không làm được, bởi “các cháu tiến bộ rồi, nhưng phải có việc làm ổn định thì sự tiến bộ ấy mới bền vững được”.

Hải Quỳnh