Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo tại Sudan

Thứ ba, 02/05/2023 09:45
Người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric ngày 30-4 cho biết tổ chức toàn cầu này "hết sức lo ngại về những tác động trước mắt và lâu dài" mà cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở Sudan gây ra "đối với toàn thể nhân dân Sudan và toàn bộ khu vực".
Người di tản khỏi Sudan được Saudi Arabia hỗ trợ. Ảnh: Reuters
Người di tản khỏi Sudan được Saudi Arabia hỗ trợ. Ảnh: Reuters

Giao tranh giữa quân đội chính phủ với nhóm bán quân sự Các lực lượng phản ứng nhanh (RSF) đã bước sang tuần thứ ba. Ngày 30-4, Bộ Y tế Sudan thông báo xác nhận cuộc xung đột ở quốc gia Đông Bắc Phi đã khiến ít nhất 528 người thiệt mạng, khoảng 4.600 người khác bị thương, song con số này vẫn chưa phải là cuối cùng. Giao tranh đã ảnh hưởng đến 12 trong số 18 bang của Sudan, trong đó có khu vực Dafur. Kể từ khi xung đột bùng phát hôm 15-4, hàng triệu người dân Sudan xung quanh thủ đô Khartoum phải ẩn náu trong nhà với lương thực, nước và điện dần cạn kiệt. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ cảnh báo xung đột có thể đẩy thêm hàng triệu người rơi vào nạn đói ở Sudan - nơi có tới 15 triệu người đang cần hỗ trợ để vượt qua nạn đói.

Theo người phát ngôn LHQ Dujarric, LHQ một lần nữa kêu gọi tất cả các bên đối địch ở Sudan bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sơ tán khỏi các khu vực giao tranh, cũng như đảm bảo an toàn cho các công tác cứu trợ và chăm sóc y tế. Ông Dujarric cho biết, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cùng ngày đã quyết định "ngay lập tức" cử Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths tới khu vực để đối phó với "cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xấu đi một cách nhanh chóng ở Sudan".

"Tình hình nhân đạo tại Sudan đang chạm tới điểm giới hạn. Hàng hóa cần thiết cho cuộc sống của người dân trở nên khan hiếm ở các trung tâm đô thị bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là Khartoum. Chi phí để di chuyển ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề đã tăng theo cấp số nhân, khiến những người dễ bị tổn thương nhất không thể tới các khu vực an toàn hơn", ông Griffiths cho hay.

Khoảng 50.000 người đã di tản khỏi Sudan vì chiến sự. Họ tìm nơi nương náu tại một số nước láng giềng như Chad, Ai Cập và Cộng hòa Trung Phi. Cuộc chiến cũng khiến hàng nghìn người nước ngoài và nhân viên quốc tế phải gấp rút sơ tán.

Chuyến bay viện trợ đầu tiên đến Sudan

Ngày 30-4, chiếc máy bay đầu tiên của Hội Chữ thập Đỏ quốc tế chở hàng viện trợ nhân đạo đã hạ cánh xuống Sudan. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết máy bay chở theo 8 tấn hàng nhân đạo, trong đó có vật tư y tế trợ giúp các bệnh viện của Sudan, cùng các tình nguyện viên của Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Sudan. Chuyến bay cất cánh từ thủ đô Amman của Jordan đến thành phố Port Sudan, miền Đông Sudan.

Theo ông Patrick Youssef, Giám đốc ICRC khu vực châu Phi, đây là cửa ngõ duy nhất đưa viện trợ đến Sudan. Các trang thiết bị y tế viện trợ đủ dụng cho 1.500 bệnh nhân. ICRC hy vọng được đảm bảo an ninh để có thể viện trợ thêm cho thủ đô Khartoum và vùng Dafur.

"Cơn ác mộng nội chiến"

Theo hãng tin AFP, giao tranh ác liệt lại làm rung chuyển thủ đô của Sudan ngày 30-4 khi hàng chục nghìn người phải di tản khỏi tình trạng hỗn loạn. Kể từ khi xung đột nổ ra, các bên đã nhất trí nhiều thỏa thuận ngừng bắn, song không thỏa thuận nào được tuân thủ. Thỏa thuận ngừng bắn mới đây nhất, kéo dài 3 ngày, đến nửa đêm 30-4, đã được hai bên nhất trí vào ngày 27-4, với sự trung gian hòa giải của Mỹ, Saudi Arabia, Liên đoàn châu Phi và LHQ.

Bất chấp lệnh ngừng bắn, quân đội Sudan đã đụng độ với RSF ở trung tâm thành phố Khartoum. "Từ sáng sớm đã có giao tranh ác liệt và nhiều tiếng súng lớn xuất hiện trên đường phố cứ sau vài phút", một cư dân ở Khartoum nói với AFP qua điện thoại. Các cuộc đụng độ đã nổ ra xung quanh trụ sở quân đội ở trung tâm Khartoum và quân đội Sudan cũng tiến hành các cuộc không kích ở thành phố Omdurman bên kia bờ sông Nile.

Tình hình khiến cựu thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok cảnh báo rằng xung đột có thể trở thành một trong những cuộc nội chiến tồi tệ nhất thế giới nếu không được ngăn chặn sớm. "Nếu Sudan lâm vào nội chiến, vấn đề ở Syria, Yemen hay Libya sẽ không còn đáng kể. Tôi nghĩ nội chiến ở Sudan sẽ là cơn ác mộng với cả thế giới", cựu thủ tướng Hamdok nhận định.

Quân đội Sudan và RSF ngày 30-4 đồng loạt tuyên bố gia hạn lệnh ngừng bắn hiện hành thêm 72 tiếng. Đây là thỏa thuận mới nhất trong hàng loạt lệnh ngừng bắn vốn bị cả hai bên vi phạm trước đó. Lệnh ngừng bắn hiện hành sẽ được gia hạn từ 22 giờ (giờ GMT) ngày 30-4. Quân đội Sudan cho biết hai bên đạt được thỏa thuận gia hạn thông qua vai trò trung gian hòa giải của Mỹ và Saudi Arabia.

AN BÌNH