Những chuyến xe nặng tình đồng đội

Thứ hai, 21/12/2015 09:44

(Cadn.com.vn) - 6 năm ở chiến trường K, Trung tá QNCN Nguyễn Đình Nhàn, nhân viên lái xe của Cục Chính trị Quân khu 5 có những kỷ niệm thật sâu đậm khi chở hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện từ nước bạn về Việt Nam.

Duyên nợ với "nghề"

Năm 1984, sau khi trải qua lớp đào tạo lái xe, anh Nhàn được điều qua Mặt trận 579 (Quân khu 5), biên chế ở Đoàn 5504, đứng chân tại tỉnh Prết-vi-hia. Chiếc Gát 66, có 2 cầu là người bạn rong ruổi với anh trên từng cây số. Những lần vận chuyển thương binh trong đêm tối  giữa tầm phục kích của lính Pôn-pốt, với tình thương yêu đồng đội, anh luôn dũng cảm, không ngại hy sinh, gian khổ. Năm 1984 anh được kết nạp vào Đảng. Năm 1986, trong chuyến công tác về Đoàn 5504, đồng chí Nguyễn Nghĩa (sau này là Thiếu tướng) Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 579 đầy ngạc nhiên khi đi sau chứng kiến chiếc xe phía trước uyển chuyển như lụa vượt qua những cung đường thời chiến. Giờ nghỉ, ông trìu mến hỏi thăm Nhàn, biết đây đúng là người cần tìm. Vậy là Nhàn được điều về lái xe cho đội quy tập của Mặt trận. Trong đội, ngoài lái xe còn có hai cán bộ là Trương Văn Hạnh và Nguyễn Văn Tiền. Cả ba sát cánh cùng nhau suốt mấy năm ròng.

Trước khi chở hài cốt liệt sĩ, nhiệm vụ của Nhàn là chở di vật của bộ đội về nước giao cho từng Bộ CHQS tỉnh để từ đó đưa về các gia đình. Nhìn những tư trang gói trong bọc hay những ba lô của đồng đội hàng trăm chiếc từ các chiến trường tập trung về Phòng Chính sách, nhất là khi sắp xếp, gói gắm, gặp những bức thư người mẹ vừa gửi con trai, vợ gửi cho chồng hay có khi là những bức thư người lính viết chưa kịp chuyển về hậu phương, anh thấy tim mình thắt lại. Đã có một thế hệ tuổi mười tám, đôi mươi như thế chưa kịp hưởng hết hương vị hòa bình thống nhất của đất nước đã nằm lại nơi đất khách quê người.

Sang năm 1987, chiến sĩ hy sinh ở Mặt trận lúc này không chôn ở nghĩa trang đơn vị nữa mà chở ngay về nước. Trung tá Nguyễn Đình Nhàn trầm tư nhớ lại: "Anh em hy sinh từ các nơi về đến Phòng Chính sách đã 4 hay 5 ngày thậm chí cả tuần, bảo quản đơn giản nên khi chở từ Stung-treng về Gia Lai, mùi tử khí bốc lên, ruồi nhặng bám theo, lúc đầu không quen lắm, cứ nôn thốc nôn tháo, sau đi hoài quen dần. Đến Đức Cơ, chứng kiến hàng ngàn ngôi mộ của đồng đội từ các nơi đưa về, đa số từ những năm 1984 về trước mới thấy hết sự hy sinh quá lớn của người lính tình nguyện Việt Nam vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Lái xe Nguyễn Đình Nhàn bên xe Gát ở chiến trường K năm 1986. Ảnh T.L

Những chuyến đi nhớ đời

Năm 1988, khi có chủ trương cất bốc hài cốt quân tình nguyện từ các nghĩa trang bên bạn về nước cũng là lúc đội quy tập làm việc quên ngày đêm. Chiếc xe Zin 130 của anh như con thoi đi về giữa hai nước. Mặt trận 579 có 2 nghĩa trang lớn nhất là của Sư đoàn 307 ở Xa Em và của Sư đoàn 315 ở Đầm Rây, đều thuộc tỉnh Prết-vi-hia. Ngoài ra còn có các Đoàn chuyên gia, với nhiều mộ chôn rải rác. Hài cốt được CBCS quy tập đưa về tập kết tại Stung-treng. Có những mộ vừa mới chôn không lâu, đơn vị không thể xử lý, các anh Nhàn, Tiền, Hạnh trực tiếp đến nơi dùng nghiệp vụ để lấy bằng được xương, cốt liệt sĩ mang về. Hồi đó ở Mặt trận nghiêm cấm uống rượu, song các anh đôi lúc phải lén dùng tí rượu uống để vơi bớt cảm giác nặng nề việc đã làm trong ngày và dễ đi vào giấc ngủ. Thường là các hài cốt đựng trong các tấm vải dù rồi đơn vị ghi tên lên vải và bàn giao cho đội. Các anh ghi chép lại, bỏ vào hòm quách, tiếp tục đánh số, làm dấu. Công việc đòi hỏi vừa cẩn trọng vừa hết sức nhanh chóng bởi có những lúc đơn vị đưa về, chưa kịp sắp xếp hết để đưa vào kho, chất phốt pho trong xương gặp gió bốc cháy cả tấm vải. Có những lúc vì cọ xát nhiều, lớp sơn bên ngoài bong tróc, các anh phải mở từng quách ra, kiểm tra bên trong lớp vải, đối chiếu tỉ mỉ, cẩn trọng. Bởi nếu một sơ suất, đồng đội mất tên thì vô cùng có tội với người đã khuất.

 Kỷ niệm mà anh Nhàn nhớ nhất là chuyến lật xe của Sư đoàn 315 ở khu vực huyện Tha La tỉnh Strung-treng. Mùa mưa, đường trơn trượt, xe lao xuống một hồ nước sâu đến cổ. Được tin, anh Nhàn và các anh trong đội quy tập khẩn trương đến cùng với công binh lặn, hụp, mò từng gói đem lên. Dù đơn vị đã cẩn thận bọc hài cốt trong bao nilon và cột túi cẩn thận nhưng khi rơi xuống hồ, tất cả đều sũng nước và dính đầy bùn. Đến sẩm tối, khi đi qua lại không đụng chướng ngại vật gì dưới chân, đoàn mới rời hiện trường. Vậy mà vào mùa khô năm đó, hồ nước cạn, lẫn trong lớp bùn, các anh đi qua thấy xương còn sót lại do một bao nào đó văng ra. Vậy là tiếp tục mò lớp bùn đã bắt đầu khô để tìm cho bằng hết hài cốt đồng đội. Thế mới có chuyện một đồng chí cán bộ của Sư đoàn 315 sau chuyến đi này quá tự dằn vặt về sơ suất của mình, dẫn đến thần kinh không ổn định, phải chạy chữa rất lâu mới khỏi bệnh.

Những chuyến xe chở hài cốt thường dài ngày vì phải đưa về từng nghĩa trang của các tỉnh. Có khi về đến nơi đã quá khuya, anh em treo võng ngủ ngay bên các hàng bia mộ chờ trời sáng. Có lần trên đường về Bình Định, anh Tiền ghé thăm nhà. Trời đã tối, anh để xe thật xa và đi bộ vào thăm vợ con một lúc rồi ra ngay, ngủ bên xe để "canh" liệt sĩ. Vợ anh cũng không biết anh làm công việc gì và chở gì mà phải ngủ ngoài xe dù đã về đến nhà.

Mỗi tháng chừng 1-2  chuyến, ròng rã gần 2 năm cho đến khi rút quân hoàn toàn vào năm 1989, đội quy tập không nhớ hết số liệt sĩ mình đưa về, có thể lên đến hàng nghìn. Anh Nhàn nói rằng: "Dẫu sao những đồng đội của tôi vẫn may mắn khi được đưa về nước. Còn hàng nghìn liệt sĩ vẫn đâu đó trên đất bạn và đang dần mất dấu vết theo thời gian. Tôi chỉ mong sao những chuyến xe của các đội quy tập các tỉnh Tây Nguyên hiện nay sẽ mang theo về thật nhiều liệt sĩ để đồng đội tôi sớm được về đất mẹ".

Rời chiến trường K, tiếp tục lái xe cho Phòng Chính sách Quân khu 5, anh Nhàn tiếp tục có nhiều chuyến đi chở thủ trưởng đến lại các nơi anh đã từng tham gia cất bốc liệt sĩ bên nước bạn. Anh không khỏi xúc động khi nhớ những lần đem xương cốt liệt sĩ mới chôn về, nhói đau khi nghĩ đến những người lính quân tình nguyện Việt Nam đã "hai lần" hy sinh năm nào...

Hồng Vân