Phản ứng của NATO, EU và Ukraine trước động thái của Nga – Belarus
Theo đài RT (Nga), ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), tuyên bố khối này sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Belarus triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ nước này.
Ông Borrell gọi quyết định chuyển giao vũ khí chiến thuật cho Belarus là “sự leo thang vô trách nhiệm” của Moskva.
“Việc Belarus triển khai vũ khí hạt nhân của Nga là sự leo thang vô trách nhiệm và là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu. Belarus vẫn có thể ngăn chặn điều đó, đó là lựa chọn của họ. EU sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo”, ông Borrell nhấn mạnh.
Đồng thời, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng chỉ trích tuyên bố của ông Putin là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”.
Phát ngôn viên của NATO, bà Oana Lungescu, cho biết: “NATO rất cảnh giác và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong trạng thái hạt nhân của Nga khiến chúng tôi phải điều chỉnh trạng thái hạt nhân của liên minh”.
Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng việc Nga viện dẫn câu chuyện chia sẻ hạt nhân của NATO là hoàn toàn sai lầm. Theo bà Lungaescu, các đồng minh NATO hành động với sự tôn trọng đầy đủ các cam kết quốc tế. Còn Nga đã liên tục phá vỡ các cam kết kiểm soát vũ khí của mình, gần đây nhất là đình chỉ tham gia Hiệp ước START mới.
Về phần mình, cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 26/3 cũng nói rằng kế hoạch của Nga sẽ gây bất ổn cho Belarus.
Các tuyên bố trên được đáp ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được đưa đến Belarus sớm nhất là vào mùa hè này. Quyết định được đưa ra sau khi Vương quốc Anh tuyên bố sẽ chuyển vũ khí urani nghèo cho Ukraine, động thái mà ông Putin mô tả là dấu hiệu cho thấy “sự liều lĩnh tuyệt đối” của London.
Ông Putin nhấn mạnh, bất kỳ vũ khí hạt nhân nào được chuyển đến Belarus sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Theo ông, không có gì bất thường khi Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus. Mỹ đã làm như vậy trong nhiều thập kỷ bằng cách giữ vũ khí hạt nhân của họ ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Từ lâu họ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các nước đồng minh. Nga và Belarus đã đồng ý rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự mà không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân”, ông Putin nói.
Theo người đứng đầu Điện Kremlin, Moskva sẽ hoàn thành xây dựng một kho lưu trữ đặc biệt cho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào đầu tháng 7 tới. Ông cho hay Moskva cũng đã chuyển một hệ thống tên lửa tầm ngắn Iskander - thiết bị có thể gắn đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường - cho Belarus.
Ông Putin nói rằng Nga đã hỗ trợ Belarus nâng cấp 10 chiếc máy bay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật và sẽ bắt đầu đào tạo phi công lái những chiếc máy bay này vào đầu tháng tới.
EU và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Belarus kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Brussels đã đưa hơn 20 quan chức Belarus vào danh sách đen, cắt 5 ngân hàng của quốc gia này khỏi hệ thống SWIFT và áp đặt nhiều hạn chế thương mại.
Trước năm 2022, EU đã cấm các chuyến bay của Belarus hoạt động trong không phận của khối và áp đặt 5 nhóm biện pháp trừng phạt riêng biệt để đáp trả chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 của Tổng thống Alexander Lukashenko mà EU coi là gian lận.
Theo Báo tin tức
Dòng sự kiện:Cuộc xung đột Nga-Ukraine
Loại mìn Mỹ gửi cho Ukraine: Nguy hiểm đến mức 150 nước cấm dùng
Sau ATACMS, Ukraine dùng Storm Shadow tấn công lãnh thổ Nga
Nga phản ứng về vụ Ukraine tấn công bằng tên lửa ATACMS
Ông Putin cảnh báo đanh thép về khả năng Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa
Ông Trump tuyên bố sẽ nỗ lực mạnh chấm dứt xung đột Nga – Ukraine