Tan hoang sau cuồng phong Nari

Thứ tư, 16/10/2013 10:46

(Cadn.com.vn) - Không chỉ giật với cường độ khủng khiếp, bão số 11 (Nari), quần thảo thâu đêm làm Đà Nẵng tan hoang, người dân sống trong sợ hãi. Cơn bão được xem là “phiên bản của Xangsane” còn khiến Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và nhiều địa phương miền Trung thiệt hại nặng nề về người và của.

Dù biết sức gió sẽ giật ghê gớm nhưng đây có lẽ là cơn bão quần xéo với thời gian dài nhất trong nhiều năm qua tại khu vực miền Trung. Và đáng sợ hơn nữa là nó đổ bộ trong đêm tối nên gần như người dân rất khó phản ứng sau một ngày mệt nhoài với công tác sơ tán và chằng chống... Cho đến sáng ngày 15-10, khi mọi thứ đã tan hoang thì bão Nari vẫn tiếp tục hoành hành.

Bão số 11 tàn phá tan hoang TP Đà Nẵng. Ảnh: Công Hạnh

Xác xơ sau một đêm kinh hoàng

Trên các đường phố Đà Nẵng, một khung cảnh tan hoang. Các công trình ven biển xác xơ, cây xanh được trồng mới từ 7 năm trước ngã đổ la liệt trên các trục đường, mái tôn nằm ngổn ngang trong các khu dân cư. Ít nhất tại Đà Nẵng có 11 người bị thương, hơn 100 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, gần 300 nhà sập một phần và hàng nghìn nhà tốc mái. Chỉ tính riêng Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà có tới gần 1.000 nhà, hàng trăm phòng học bị tốc mái, các công trình công cộng, nhà công sở bị hư hỏng nặng.

Trước tình hình thiệt hại, UBND TP Đà Nẵng đã duyệt tạm ứng 7/8 quận huyện số tiền 4 tỷ đồng/địa phương để khắc phục hậu quả bão số 11, trong đó 2 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân nghèo khó khăn sửa chữa nhà ở sập, hư hỏng và 2 tỷ đồng sửa chữa các công trình trường học. Trước mắt, hỗ trợ gia đình có người bị thương nặng  1,5 triệu đồng/người; nhà tốc mái hoàn toàn 2 triệu đồng/trường hợp, tốc mái 1 phần 500.000 đồng/ trường hợp. Đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT kiểm tra tình hình khắc phục để học sinh sớm đi học trở lại. Các lực lượng khác nhanh chóng khắc phục tình trạng mất điện, cúp nước, thông tin liên lạc và phải hoạt động trở lại trước 10 giờ ngày 17-10.

Cây đổ la liệt trên đường Trường Sơn (Đà Nẵng). Ảnh: ĐINH NGA

Bão số 11 tàn phá nhà dân tại H. Hòa Vang (Đà Nẵng). Ảnh: VY HẬU

Tại Quảng Nam, đến trưa 15-10 đã có 3 người chết, 3 người mất tích và 9 người bị thương. Các nạn nhân tử vong là ông Trương Chạy (84 tuổi, trú xã Điện Phương, Điện Bàn, chết vì bão đánh sập xưởng cưa); ông Phạm Văn Quy (1981, xã Điện Phong, Điện Bàn chết khi đang chằng chống nhà cửa) và một bé gái (chưa xác định được danh tính) chết do sạt lở đất ở H. Nông Sơn. Về tài sản, Quảng Nam xác định ban đầu có 5.033 ngôi nhà bị tốc mái, 80 nghìn cây ăn quả bị ngã đổ, 2.974ha cây lâm nghiệp bị hư hỏng cùng 40 chiếc tàu của ngư dân bị sóng biển đánh chìm.

Tại Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, gồm: 1 người bị thương, 75 nhà và 5 trường học bị tốc mái, nhiều tàu thuyền bị đánh chìm, hơn 150 ha hoa màu mất trắng... Tại các huyện Bình Sơn, Sơn Hà, Sơn Tây có 15 nhà ở bị tốc mái; hàng chục héc-ta cây keo bị ngã, đổ, gây ách tắc trên nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã; nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; hàng chục héc-ta hoa màu như hành, ngô vụ mùa bị ngã đổ.

Do một đoạn đường sắt Bắc – Nam qua TP Đà Nẵng bị hư hỏng, nên hiện có 3 chuyến tàu đang phải tạm dừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. UBND tỉnh đang phối hợp với Ban quản lý đường sắt Quảng Ngãi có kế hoạch hỗ trợ nơi ăn, ở cho các hành khách. Hiện tại, hơn 700 người dân của 3 thôn Thanh Thủy, An Cường, Phước Thiện thuộc xã Bình Hải (H. Bình Sơn) sơ tán tránh sạt lở và triều cường trong đêm 14-10 đến sáng 15-10 đã trở về nhà an toàn.

Tại TT-Huế, 1 người dân bị mất tích do bị lũ ở xã Quảng An (H. Quảng Điền) và 11 người bị thương trong khi chằng chống nhà cửa. Cho đến cuối giờ chiều 15-10, thi thể 2 em Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Văn Bảo (trú H. Phú Lộc) rủ nhau đi câu cá và bị sóng lớn cuốn trôi vẫn chưa tìm thấy. Như vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3 người mất tích và 11 người bị thương. Bên cạnh đó, trên toàn tỉnh có 17 nhà bị sập và 669 nhà bị tốc mái, 1.686 nhà bị ngập. Do ảnh hưởng của hoàn lưu gió bão số 11, gây triều cường nên sóng đã đánh vào nhiều đoạn đê biển ở xã Hải Dương (TX Hương Trà) và mở thêm 2 đoạn cửa biển mới. Trưa 15-10, lực lượng BĐBP và dân quân tự vệ đã kịp thời dùng rọ sắt và hàng trăm bao cát để lấp hai cửa biển mới.

Lực lượng BĐBP TT-Huế và  người dân đắp đê lấp hai cửa biển mới
ở xã Hải Dương (TX Hương Trà).  Ảnh: HẢI LAN

Dồn sức khắc phục hậu quả

Sáng 15-10, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - Phó Tư lệnh Quân khu 5 (QK5) chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thiệt hại trong bão số 11 và  có phương án đưa lực lượng về các địa phương giúp dân. Bộ Tư lệnh QK 5 đã quyết định điều 200 CBCS về giúp dân ở 2 quận Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn. Bộ Tham mưu huy động 200 CBCS giúp dân ở 3 quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và Thanh Khê. Các đơn vị của Bộ Quốc phòng gồm Sư đoàn 372, 375 và Vùng 3 Hải quân với 270 CBCS sẽ về các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ và H. Hòa Vang.

Lực lượng sẽ giúp dân củng cố, sửa chữa nhà ở, trường học; các bệnh xá, trung tâm y tế và theo yêu cầu của UBND các xã, phường. Cục Hậu cần Quân khu hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị quân y khám chữa bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh cho nhân dân. Riêng Sư đoàn 315, Lữ đoàn Công binh 270, Lữ đoàn tăng- thiết giáp 574 sẵn sàng cơ động khi có yêu cầu.


CBCS Phòng CSGT CATP Đà Nẵng ra quân giải phóng cây xanh bị ngã đổ
trên các tuyến đường chính. Ảnh: Công Khanh - Xuân Đương

Bờ kè đường Bạch Đằng (Đà Nẵng) bị sóng đánh hư hỏng. Ảnh: HỒNG DUNG

Cây ngã đổ la liệt khiến sau khi bão tan, phương tiện vẫn rất khó khăn khi lưu thông
trên đường Bạch Đằng. Ảnh: HỒNG DUNG

        Đất cát, đá, thuyền, thúng chai của ngư dân bị đưa lên đường nhựa.  Ảnh: LÊ ANH TUẤN

Thuyền cá ngư dân bị đánh vào bờ hư hại. Ảnh: LÊ ANH TUẤN

Tại cuộc họp khẩn tổ chức vào sáng 15-10, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát chỉ đạo Đà Nẵng phải chủ động phương án khắc phục trong và sau bão số 11. “Các địa phương phải rà soát ngay công tác kiểm tra để cứu trợ nhân dân vùng bão kịp thời để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, sau bão sẽ có lũ lớn xuất hiện nên phải chuẩn bị ngay phương án phòng chống lũ lụt, vì theo kinh nghiệm, trong bão ít người chết, bị thương nhưng lũ lụt lại gây chết, bị thương nhiều người”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh. Đối với tuyến QL1A, 14B, do đã tổ chức cắt đường từ đêm 14-10 nên rất dễ gây ách tắc giao thông kéo dài, Bộ trưởng chỉ đạo các ngành chức năng phải tổ chức cho xe thông đường ngay, tránh ùn tắc.

Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 11 tại Hội An, Quảng Nam.
Ảnh: C.H

Sau chuyến kiểm tra tại P. Cửa Đại, Hội An, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng các địa phương của Quảng Nam đã làm tốt công tác sơ tán dân nên những thiệt hại về người được hạn chế dù bão rất mạnh. Bộ trưởng yêu cầu: “Công tác cứu trợ, cứu chữa những người bị thương, khôi phục lại hệ thống cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc phải làm ngay. Bên cạnh đó, tiếp tục có biện pháp ứng phó với mưa lũ trong đêm 15 và ngày 16-10. Các địa phương ưu tiên khôi phục lại trường học, trạm y tế để chữa bệnh và cho học sinh đi học trở lại”.

Xuất hiện mối lo về lũ

Theo Tổng Cty Điện lực miền Trung, ước tổng công suất điện không cung cấp được đến lưới điện do đơn vị vận hành khoảng 520MW/1.700MW. Nhiều tỉnh, thành phố miền Trung liên tiếp gặp sự cố về truyền tải điện, gây mất điện trên diện rộng. Riêng tại TP Đà Nẵng, từ 13 giờ đến 22 giờ 30 ngày 14-10, bão đã gây sự cố trên 7 trạm trung thế làm mất khoảng 21MW/260MW. Tại Quảng Ngãi, từ 15 giờ đến 22 giờ 25 ngày 14-10, sự cố trên 5 trạm trung thế làm mất điện tại nhiều địa phương với công suất mất khoảng 15MW/110MW. Ở TT-Huế, thời điểm bão số 11 gây sự cố trên 5 trạm trung thế làm mất 14MW/160MW. Trong khi đó, 3 trạm trung thế trên địa bàn Quảng Nam cũng gặp sự cố nặng do bão làm mất điện tại nhiều huyện. Cùng ngày, đường dây 500kV mạch kép Nho Quan - Hà Tĩnh - Đà Nẵng - Dốc Sỏi - Pleiku làm mất điện toàn bộ TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi (ước công suất mất khoảng 530MW).

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 13 giờ chiều 15-10 khoảng 150 – 300mm, một số nơi có lượng lớn hơn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 424mm, Nam Đông (Huế) 492mm; Bạch Mã (Huế) 659mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 437mm. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến TT-Huế có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Gió mạnh trên vịnh Bắc Bộ còn duy trì; diễn biến mưa sau bão còn phức tạp. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh. Đêm 15-10, lũ trên các sông từ TT-Huế đến Quảng Nam và Kon Tum có khả năng lên mức báo động 3.

Tỉnh Nghệ An quyết định xả lũ hồ Vực Mấu là một trong những hồ lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 10 gây ngập lụt trên diện rộng, thiệt hại cho thị xã Hoàng Mai hơn 830 tỷ đồng, lần này Cty thủy lợi Quỳnh Lưu và BCH PCLB hồ Vực Mấu đã thông báo về việc xả lũ đến UBND thị xã Hoàng Mai và các xã, phường trên địa bàn đúng quy định. Hồ này bắt đầu xả lũ từ 9 giờ ngày 14-10 từ cao trình mực nước 20,96m xuống 20,5m và sẽ tiếp tục xả lũ trong những ngày tới nếu lượng mưa tiếp tục tăng.

Cty thủy điện Bản Vẽ cũng có thông báo về việc vận hành xả lũ hồ thủy điện Bản Vẽ đến UBND H. Tương Dương và một số xã nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao. Theo kế hoạch, hồ thủy điện Bản Vẽ sẽ bắt đầu xả lũ vào ngày 16-10 với tổng lưu lượng xả từ 300m3/s đến 1.000m3/s. Đây là hồ thủy điện lớn nhất tỉnh Nghệ An. Nghệ An hiện có 625 hồ đập, trong đó có 55 hồ có dung tích hơn 1 triệu m3 nước; 11 hồ có dung tích nước hơn 5 triệu m3 nước; còn lại là các hồ vừa và nhỏ. Đến sáng 15-10, tất cả các hồ đều đã đầy nước.

Theo Văn phòng thường trực BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị, hiện có 130 hồ thủy lợi, 1 hồ thủy lợi thủy điển và 204 đập dâng. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành chức năng tỉnh đã có kế hoạch để điều tiết, cắt lũ. Trong khi đó, BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết: tỉnh đang tập trung kiểm tra, chỉ đạo các huyện, xã có phương án trực chiến tại các hồ, đập; đặc biệt là 32 hồ đập sạt lở nguy hiểm trên địa bàn tỉnh để kịp thời di dân tại các vùng hạ lưu. Tại TT-Huế, đến chiều 15-10, do mưa ở thượng nguồn rất to, đổ về nhanh nên mực nước ở sông Bồ đang ở mức báo động 2, mực nước ở sông Hương đã vượt  mức báo động 2. Đập Đá- tuyến đường giao thông huyết mạch của trung tâm TP Huế nối từ đường Lê Lợi đến Nguyễn Sinh Cung đã ngập sâu, nước chảy xiết.

Ngày 15-10, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có Công văn 1242-CV/TU do Bí thư Thành ủy Trần Thọ ký chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể TP tập trung triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra. Ngay trong chiều 15-10, đồng chí Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã trực tiếp đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 11 tại các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Liên Chiểu. Tại đây, sau khi nghe báo cáo tình hình thiệt hại do bão gây ra, đồng chí Trần Thọ yêu cầu lãnh đạo các địa phương nhanh chóng tập trung mọi nguồn lực để bắt tay ngay vào công việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến việc giúp đỡ những hộ dân bị thiệt hại nặng dựng lại nhà cửa, hỗ trợ kịp thời cho người bị thương.

Trong khi đó, ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc, Quảng Nam, cho biết, các hồ chứa thủy điện bắt đầu xả lũ ồ ạt. Sáng 15-10, thủy điện Đắc Mi 4 xả  từ 1.000 đến 3.000m3/giây, thủy điện A Vương đang xả lũ từ 1.000 đến 1.200m3/giây. Vì mực nước trên sông Ái Nghĩa đang vượt mức báo động 2, các sông Thu Bồn và Vu Gia sẽ trên mức báo động 3. H. Đại Lộc tổ chức di dời hàng nghìn người dân tránh lũ, nhưng hệ thống liên lạc và giao thông giữa địa phương trong tối 15-10 tê liệt, chưa nắm rõ chính xác đã di dời bao nhiêu người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cũng đã điện thoại chỉ đạo các đơn vị thủy điện không được nâng mức xả lũ, riêng đối với thủy điện Đắc Mi 4 giảm mức xả lũ từ 2.700m3/s xuống 2.000m3/s ngay trong trưa ngày 15-10.

Chiều 15-10, mực nước các sông Yên, Cu Đê, Túy Loan (Đà Nẵng) dâng cao, nhiều tuyến đường liên xã đã bị cô lập, nhiều nơi ngập sâu hơn 1m. Các lực lượng chức năng cần có phương án chốt chặn, hướng dẫn phân luồng cho người và các phương tiện lưu thông đảm bảo an toàn.

Nhóm PVTS