Vàng - máu & nước mắt (8)
* Kỳ 8: "Vàng tặc" và những hệ lụy
(Cadn.com.vn) - Sau gần 3 giờ băng rừng lội suối, chúng tôi tiếp cận được địa điểm khai thác vàng tại khe Ton và bản Cào (H. Quế Phong, Nghệ An). Cào là một bản nhỏ được hình thành do những người ở nơi khác đến lập trang trại, khai hoang ruộng lúa để phát triển kinh tế. Gọi là bản nhưng thực ra đây chưa được công nhận là một bản trực thuộc xã Quang Phong. Thế nên, những hoạt động khai thác vàng trái phép ở đây vẫn diễn ra hằng ngày mà không thể quản...
Đột nhập khe Ton
Theo chân anh V.Đ - người dân bản địa, chúng tôi men theo con đường dốc quanh co để đột nhập vùng khai thác vàng tại khe Ton. Khu vực này là một trong những địa điểm bị "vàng tặc" lao vào xâu xé nhiều nhất trên địa bàn xã Quang Phong.
Mới đến đầu khe Ton, ghi nhận của chúng tôi là nước khe đỏ quạch, những tốp khai thác vàng, những chiếc máy múc đang gào rú đào bới. Tốp phía ngoài có một máy múc lớn đang đào bới một khúc khe khác. Đi sâu vào phía trong có một lán trại rộng chừng hơn 100m2 được dựng lên bằng cây rừng và bạt xanh. Tại điểm này có một máy múc đang đào bới phía sát lán trại. Phía dưới khe cách lán trại khoảng 100m là một máy múc khác, với hai máy hút và một tốp công nhân đang hối hả làm việc. Theo quan sát, khu lán trại này được dựng lên để làm nơi tá túc cho những người khai thác vàng tại đây. Xung quanh lán là hệ thống máy phát điện công suất lớn cùng nhiều máy móc thiết bị khác phục vụ cho khai thác vàng. Hàng chục thùng phuy xăng dầu vứt lăn lóc phía ngoài lán trại.
Một điểm khai thác tại khe Ton. |
Một người đàn ông (tự giới thiệu tên V., quê ở TP Vinh) tiết lộ: "Đây là khu vực khai thác của Cty CP XNK T.H. Tôi mới lên đây làm thuê được mấy hôm thôi nên không biết gì đâu. Cần hỏi gì các anh chờ lãnh đạo lên rồi hỏi". Nói rồi V. móc ĐTDĐ gọi cho ai đó và bảo "cứ ngồi chờ". Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về hướng bản Cào. Vượt khoảng 3km đường rừng, tiếp cận khu vực khai thác khác. Tại khu vực này có 3 máy múc cùng với nhiều giàn chớp đang hoạt động trong khuôn viên rộng, có diện tích khoảng vài nghìn mét vuông.
Tại đây, người đàn ông tên Minh, tự xưng là "quản lý" cho biết: "Đây là điểm khai thác của Cty CP XNK T.H, chúng tôi có giấy phép khai thác đầy đủ. Hiện các lãnh đạo người thì đang công tác ở Yên Bái, người thì đang ở Hà Nội nên có gì các anh làm việc sau nhé". Được biết, Cty CP XNK T.H. có giấy phép khai thác vàng tại khe Ton, xã Quang Phong tại Giấy phép số 4637/QĐ-UBND.TN ngày 8-10-2010 với thời hạn là 5 năm trên diện tích 33,5ha. Sau khi được cấp phép khai thác, đơn vị này đã bắt tay vào tiến hành khai thác từ mấy năm trước, tuy nhiên do một số lý do nên quá trình khai thác tạm thời bị gián đoạn.
Đến cuối năm 2013, đơn vị này lại tiếp tục cho nhiều máy móc, thiết bị vào để tiến hành khai thác. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân tại bản Cào thì trong quá trình khai thác đơn vị này không chú trọng đến vấn đề môi trường, thường hay xả nước thải trực tiếp ra khe Ton gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác phạm vi khai thác cũng không rõ ràng khi đơn vị này thường xuyên cho máy múc đi đào bới khắp nơi. Ai phản ánh thì họ giải thích là đi "khảo sát".
Nguồn nước "chết"
Tình trạng khai thác vàng trái phép tại 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn không chỉ khiến cho đất sản xuất của người dân bị thu hẹp, môi trường bị ô nhiễm, gây mất ANTT mà còn gây thất thoát tài nguyên quốc gia và gây ra nhiều hệ lụy khôn lường khác. Điều đáng nói là dù khai thác trái phép hay có phép như Cty XNK T.H thì những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, mất đất sản xuất cũng là điều dễ dàng nhận thấy.
Lán trại của "vàng tặc". |
Theo ghi nhận của P.V tại khe Ton, nơi Cty XNK T.H. đang khai thác thì đơn vị này đã không chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác. Việc khai thác trực tiếp dưới lòng khe nhưng không có hố lắng lọc nước thải, rồi thải trực tiếp ra khe suối khiến cho nguồn nước ở dòng khe luôn đục ngầu, ô nhiễm trầm trọng. Mặt khác, việc khai thác nhưng không hoàn thổ đã khiến cho dòng chảy bị biến đổi, về lâu dài sẽ gây nên những hậu quả khó lường.
Một hình ảnh dễ thấy dọc theo khe Ton, khe Quờ và sông Quàng là những hầm hố, những đụn cát sỏi nhấp nhô chắn ngang dòng chảy, khiến nước đục ngầu, chảy yếu ớt. Anh Lý Văn Duy (trú bản Nậm Xái) không khỏi chạnh lòng: "Trước đây khe suối trong veo, tôm cá nhiều vô kể nhưng giờ chỉ toàn một màu đỏ quạch. Dòng sông Quàng đang dần chết dưới tay các "vàng tặc" các chú à". Để thấy rõ điều này, anh Duy dẫn chúng tôi lên một điểm cao ở đầu bản Páo, dõi mắt nhìn về xuôi là hình ảnh con sông Quàng đục ngầu, mình đầy thương tích với những đụn cát, sỏi nhấp nhô như những lô cốt thời chiến tranh.
"Dân bản chúng tôi khổ lắm. Nước sạch được Nhà nước đầu tư chưa dùng đã hỏng. Con sông Quàng là nguồn sống duy nhất của hàng ngàn hộ dân ở hai xã Quang Phong và Cắm Muộn nay không thể sử dụng được. Vàng đã "cướp" đi nguồn sống của người dân. Mong sao cơ quan chức năng sớm xử lý nạn khai thác vàng trái phép để trả lại con sông trong xanh, hiền hòa cho bà con thôi" - chị Lang Thị Hoài, người bản Páo kiến nghị.
Hạ lưu sông Quàng đục ngầu vì "vàng tặc". |
Trước tình trạng vàng tặc lộng hành trên địa bàn, ông Lữ Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn cho hay: "Tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn diễn ra rất phức tạp từ nhiều năm nay. Năm 2013, xã đã tiến hành xử lý đến gần 30 vụ khai thác vàng trái phép, xử phạt 48 triệu đồng. Trong năm 2014, chúng tôi cũng đã tiến hành 3 đợt kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn chưa thể chấm dứt".
"Vàng tặc" ở Quang Phong và Cắm Muộn bao giờ hết đất sống vẫn đang khiến cho các ngành chức năng từ huyện đến tỉnh đau đầu. Và, chừng nào tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn còn tiếp diễn tại 2 địa phương này thì người dân nơi đây vẫn phải gánh chịu những hệ lụy...
Phóng sự: Xuân Sơn
(còn nữa)