Xếp loại giáo viên, bình chọn danh hiệu thi đua cần làm khoa học, dân chủ và thực chất

Thứ năm, 25/05/2023 12:23
Hằng năm, vào những ngày cuối tháng 5 là thời điểm các trường học từ bậc mầm non đến THPT tổng kết năm học, trong đó có một công việc rất quan trọng: đánh giá, xếp loại viên chức, bình xét thi đua, khen thưởng đối với đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các nhà trường.

Trên cơ sở các quy định về đánh giá, xếp loại được ghi rõ tại Nghị định 90/2020 ngày 13-8-2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức; các tiêu chí quy định Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định 91/2017 ngày 31-7-2017 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng cùng các thông tư của Bộ GD-ĐT hướng dẫn đánh giá xếp loại chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; văn bản quy định của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện về công tác thi đua, khen thưởng, căn cứ vào bảng điểm thi đua của mỗi đơn vị đã quy định mà trường học tiến hành đánh giá, xếp loại và tổ chức bình xét danh hiệu thi đua nhằm phân loại và ghi nhận kết quả công tác của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB,GV, NV) trong sau một năm học.

Thực chất kết quả của việc đánh giá, phân loại viên chức, chuẩn nghề nghiệp và công tác thi đua, khen thưởng đối với CB,GV, NV là đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của họ sau một năm học, lấy đó làm căn cứ để hiệu trưởng xếp loại viên chức, có kế hoạch sắp xếp vị trí việc làm, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bổ nhiệm đội ngũ của đơn vị. Bên cạnh đó, thi đua khen thưởng sẽ góp phần nhân rộng những điển hình tiên tiến, tạo động lực để mỗi CB, GV, NV nỗ lực, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm học tiếp theo. Nên việc đánh giá, xếp loại và công tác thi đua khen thưởng ở mỗi trường có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng khá rõ nét đến tâm lý của CB,GV,NV.

Đồng thời, đây là yếu tố để góp phần tạo nên động lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mỗi một thành viên trong nhà trường. Tuy nhiên, trong thực tiễn có một số trường, sau mỗi lần đánh giá, xếp loại và bình xét thi đua, khen thưởng lại để lại trong mỗi CB,GV,NV những tâm tư, trăn trở về việc đánh giá, bình xét, từ đó tạo ra những hiệu ứng chưa tích cực về cách nhìn nhận ý nghĩa của thi đua, khen thưởng trong mỗi đơn vị. Cá biệt, có trường làm không khoa học dẫn đến mất công bằng, gây ra sự mất đoàn kết nội bộ. Lại có đơn vị có những quy định, nội dung bảng điểm thi đua, thang điểm, cách chấm điểm bất hợp lý. Cũng có hiện tượng “cào bằng” trong đánh giá viên chức. Tâm lý “ai cũng tốt tất” sẽ dẫn đến việc xếp loại hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nhiều nhà trường luôn ở tỷ lệ cao. Bởi vậy, dẫn đến sự nỗ lực, cố gắng của nhiều giáo viên sẽ chưa được ghi nhận, chưa có tính thúc đẩy, làm việc theo kiểu “bình quân chủ nghĩa”, miễn là làm xong nhiệm vụ được giao.

Bình xét thi đua, khen thưởng hướng đến những CB, GV, NV có thành tích tiêu biểu trong năm học, trong các phong trào thi đua để tạo sự lan toả trong tập thể. Tuy nhiên, cũng có nơi việc khen thưởng tập trung tỷ lệ nhiều vào đội ngũ lãnh đạo quản lý nên tỷ lệ dành cho các GV trực tiếp giảng dạy không cao. Những danh hiệu như chiến sỹ thi đua, mỗi trường chỉ được xét không quá 15% trong tổng số lao động tiên tiến, vì thế, số lượng khá hạn chế. Nếu chia tỷ lệ này theo kiểu “cơ cấu” cho Ban Giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Công đoàn…, thì số lượng dành cho GV trực tiếp giảng dạy, không đảm nhiệm chức vụ là rất ít ỏi. Từ đó, chắc chắn sẽ tạo ra tâm lý không mặn mà, không cố gắng để phấn đấu đạt được những danh hiệu thi đua ở một bộ phận GV.

Đánh giá, xếp loại viên chức hằng năm là công việc quan trọng đối với mỗi trường học, là động lực tích cực nhằm phát triển năng lực, đạo đức của mỗi CB, GV, NV, nhất là đội ngũ GV để xây dựng nhà trường vững mạnh trong việc giáo dục toàn diện con em. Để đạt hiệu quả, ngoài việc phát huy dân chủ, công bằng trong quá trình vận dụng các quy định đánh giá, phân loại, các đơn vị trường học cần xây dựng các tiêu chí có tính khoa học, phù hợp với thực tiễn đơn vị, cần định lượng cụ thể gắn với nhiệm vụ được phân công của mỗi CB, GV, NV để đánh giá, tránh vận dụng theo kiểu định tính, chung chung.

Thi đua tạo cơ hội để cho mọi người đều có thể khẳng định được khả năng của mình một cách bình đẳng. Thi đua tránh hình thức và tổ chức theo kiểu chia lượt. Bản thân mỗi CB,GV, NV cũng cần cố gắng, nỗ lực liên tục để đáp ứng được các tiêu chí thi đua, khen thưởng. Mỗi trường cần có quy trình đánh giá, xếp loại CB,GV,NV một cách công khai, dân chủ, khoa học gắn với tiêu chí đánh giá cụ thể ngay từ đầu năm học, nhất là hiệu trưởng đồng thời cũng là chủ tịch hội đồng thi đua của đơn vị cần phải thông minh, sáng tạo, sắc bén có quan điểm thi đua tích cực, là người quyết định cuối cùng về “nội dung bảng điểm thi đua của đơn vị” đây được xem là “công cụ”, “thước đo” đánh giá kết quả thi đua của mỗi thành viên trong trường.

Nên Hiệu trưởng phải có tầm nhìn khoa học để xây dựng “ thước đo” hợp lý, tường minh, rõ ràng, phù hợp với điều kiện, công việc của đơn vị đã thực hiện trong năm học. Trong đánh giá, xếp loại, cần phát huy tính dân chủ, thực hiện đúng các bước của quy trình đánh giá, mỗi CB, GV, NV cần nêu cao việc tự đánh giá, đánh giá, góp ý đồng nghiệp. Khi xếp loại, cần căn cứ vào kết quả đạt được, sự cố gắng, tiến bộ và những đóng góp ở từng lĩnh vực nhiệm vụ của mỗi người trên nhiều lĩnh vực, trong mọi phong trào của đơn vị, của ngành giáo dục địa phương ( huyện, tỉnh) trong cả năm học để nhận xét, đánh giá và phân loại. Cần dành tỷ lệ danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng cho người trực tiếp đứng lớp, người có năng lực chuyên môn, đạo đức tốt ngoài việc tham gia công tác ở trường họ còn tham gia công tác chung của ngành như dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, tham gia mạng lưới chuyên môn, cộng tác viên thanh tra cho phòng, sở GD-ĐT. Có như thế mới góp phần nâng cao được chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường.

Việc đổi mới công tác đánh giá, xếp loại viên chức hằng năm và công tác thi đua, khen thưởng trong mỗi nhà trường cần phải thường xuyên rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện để góp phần nâng cao chất lượng việc quản lý, đánh giá, phân loại viên chức hiện nay. Đồng thời, việc triển khai thường xuyên và hiệu quả các phong trào thi đua trong các nhà trường, hướng đến đội ngũ nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, ghi nhận, tôn vinh và tạo sự lan tỏa tích cực sẽ khơi dậy trong mỗi nhà giáo lòng yêu nghề, đổi mới, sáng tạo không ngừng trong dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường.

Lê Văn Huân

Một tập thể đoàn kết là một tập thể mạnh (ảnh minh họa)