Xóm chạy thận” quay quắt trong nắng nóng

Thứ năm, 08/06/2023 14:41
Những ngày qua, thời tiết ở Nghệ An nắng nóng cao điểm khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Đặc biệt, nắng nóng khiến cho những bệnh nhân trong “xóm chạy thận” mệt mỏi, quay quắt khi sống trong căn phòng nhỏ xíu lợp bằng fibro xi măng...
Nhiều bệnh nhân trong “xóm chạy thận” quay quắt trong nắng nóng.
Vợ chồng bà Đồng Thị Son và ông Nguyễn Quốc Huy bám trụ nhiều năm ở “xóm chạy thận”.

Trước khu vực Bệnh viện Đa khoa TP Vinh cơ sở 2 đóng tại P. Quán Bàu, TP Vinh (Nghệ An) là dãy gần 20 phòng trọ, mỗi phòng khoảng 10m2 nằm san sát nhau. Đây nơi cư ngụ của hàng chục bệnh nhân chạy thận đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Họ bám trụ tại đây thuê trọ giá rẻ để tiện cho việc lọc máu 3 lần/ tuần.Trời nắng nóng, bước vào những phòng trọ chật hẹp lợp bằng những tấm fibro xi măng hay tấm bạt bị rách, những người ghé thăm không khỏi xót xa.

Là người có thâm niên gắn bó vào diện lâu nhất ở “xóm chạy thận” này với 16 năm bị suy thận mãn, ông Nguyễn Tiến Lập, trú H.Quỳnh Lưu cho biết, bình thường nếu sức khỏe cho phép, ông tranh thủ chạy xe ôm kiếm tiền sinh hoạt phí. Những ngày nắng nóng, khách ít đi xe ôm, ông cũng không có sức để chạy ngoài trời hơn 40 độ C, đành bám trụ trong căn phòng nhỏ xíu chờ đến giờ đi lọc máu rồi trở về. “Bên ngoài nắng như đổ lửa hắt hơi nóng vào phòng, cộng với hơi nóng từ trên mái pro xi măng dội xuống, từ quạt phả ra nên cảm giác nóng hơn bao giờ hết. Để chống nóng, tôi và mọi người phải nhúng ướt khăn vắt qua đầu. Sức khỏe vốn đã yếu, gặp những ngày nắng nóng đỉnh điểm, bệnh nhân suy thận như chúng tôi bị bào mòn sức lực nhưng cũng cố gắng bám trụ vì không còn cách nào khác” – ông Lập chia sẻ thêm.

Bi đát hơn là hoàn cảnh của vợ chồng bà Đồng Thị Son (1953, quê xã Phúc Thành, H.Yên Thành). Bà Son bị suy thận mãn còn chồng - ông Nguyễn Quốc Huy thì bị ung thư. Nhiều năm nay, vợ chồng bà đến thuê trọ ở “xóm chạy thận” này để thuận tiện cho việc điều trị và chăm sóc lẫn nhau. Để chống chọi với cái nóng ngày hè, ông Huy lắp 4 cái quạt trong phòng trọ. Tuy nhiên, ông Huy cho biết: “Chủ lực vẫn là quạt cây, quạt trần thôi. Do chạy cả ngày nhiều lúc phải đổi quạt, nếu không nóng quá máy chập cháy mất. Quạt hơi nước thì lúc nào nóng quá mới dám dùng, vì mỗi tháng 400 nghìn đồng tiền điện là vấn đề lớn đối với vợ chồng tôi lúc này”.

Nhiều bệnh nhân trong “xóm chạy thận” quay quắt trong nắng nóng.

Bệnh tật kéo dài nhiều năm đã bào mòn kinh tế, sức khỏe của những bệnh nhân chạy thận. Vào ngày hè, ngoài trời nắng 38-39 độ C thì trong phòng trọ nhiệt độ cao hơn từ 2 đến 3 độ C khiến họ cảm thấy ngộp thở. Hết giờ chạy thận, bà Phạm Thị Huệ (quê H. Anh Sơn) lại trở về xóm trọ chuẩn bị bữa cơm trưa. Bữa cơm của bệnh nhân chạy thận này chỉ có trứng rán và nồi canh loãng. Cố ăn vài miếng cơm rồi bà Huệ buông thìa, cầm khăn lau mồ hôi trên mặt. “Nấu nhiều cũng không ăn được, nóng quá không nuốt trôi cơm, chỉ cố ăn vài miếng để cho sức mà lọc máu”.

Thuộc tốp bệnh nhân ít tuổi trong “xóm chạy thận”, chị Phan Thị Phương (1989, trú Thị xã Hoàng Mai) cho hay: “Lúc nào nóng quá thì dùng khăn ướt lau qua người hoặc vào nhà tắm dội nước cho mát. Trong phòng cứ để sẵn chậu nước để vắt khăn lau thường xuyên. Biết là vất vả nhưng mọi người vẫn động viên nhau cố bám trụ. Nóng như này chứ nóng hơn nữa cũng đành phải chịu vì chúng tôi làm gì có tiền để thuê chỗ rộng rãi hay lắp điều hòa. Tranh thủ thời gian không chạy thận, tôi đi rửa bát cho các nhà hàng để có thêm tiền trả phòng và chi phí chữa bệnh”.

Để chống nóng, mỗi người trong “xóm chạy thận” này tìm cho mình cách “làm mát” khác nhau, người thì vắt khăn ướt lên đầu, người dội nước xuống nền nhà nhưng dường như vẫn không ăn thua. Nắng nóng, bệnh nhân chạy thận khát nước lắm nhưng họ cũng chỉ dám uống nhấp từng chút chứ không dám uống nhiều. Do nắng nóng quá, bà Lê Thị Liên (trú H.Quỳ Hợp) trọ ở “xóm chạy thận” đã nhiều lần bị ngất xỉu phải đưa lên viện cấp cứu…

Chật chội, nóng nực là vậy, nhưng các bệnh nhân ở “xóm chạy thận” này vẫn luôn cố gắng với tinh thần lạc quan, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau để chống chọi với bệnh tật. Thấy mà thương!

Dương Hóa