Buông lỏng quản lý?
- Là chuyện rừng phòng hộ Phú Ninh (Quảng Nam) bị xâm hại thời gian dài mà các ngành chức năng không phát hiện, xử lý kịp thời đó Bề Tui.
- Cụ thể thế nào vậy Tư?
- Mới đây, UBND huyện Phú Ninh tổ chức khảo sát vị trí xây dựng dự án Di tích lịch sử Căn cứ Thị ủy Tam Kỳ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (giai đoạn 1971-1975), qua đó, phát hiện tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ để trồng keo tại khoảnh 3, 4, Tiểu khu 587 (giáp ranh giữa xã Tam Sơn, huyện Núi Thành và xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh).
- Đơn vị nào quản lý khu vực trên và họ lý giải thế nào?
- Khu vực này thuộc lâm phận do BQL rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam quản lý (chủ rừng). Đơn vị này cho rằng, diện tích rừng này bị lấn, chiếm từ các năm 2013 - 2015 để trồng keo trái phép. Người dân đã khai thác keo, trồng lại cây mới với diện tích 7.910m2.
- Trách nhiệm của chủ rừng thế nào mà để sự việc xảy ra cả chục năm nay vậy?
- Theo ông Đặng Ích Phúc (Phó Trưởng BQL rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam), đó là do lịch sử để lại. “Khu vực rừng giáp ranh trên không biết trước đây anh em đã xử lý chưa, giờ hồ sơ tìm không ra. Đơn vị đã chỉ đạo lực lượng kiểm tra, xác minh đối tượng và xử lý cây trồng trái phép. Đồng thời, sẽ phối hợp với UBND các xã, Hạt Kiểm lâm xác minh, làm việc với các hộ lấn, chiếm, thực hiện ký cam kết không tác động vào diện tích rừng nói trên. Còn nguyên nhân thì rất khó xác định, vì vấn đề này tồn tại từ trước đến nay, lịch sử cũ để lại”, ông Phúc thông tin.
- Xử lý kiểu vầy chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”!
- Ngoài diện tích rừng bị xâm hại mới được phát hiện trên, những năm qua diện tích rừng phòng hộ Phú Ninh bị người dân lấn chiếm để trồng keo lên đến hàng ngàn héc-ta. Rõ ràng có sự buông lỏng quản lý nên mới xảy ra tình trạng xâm lấn rừng như trên.
- Bề Tui nhận thấy, rừng phòng hộ thì bị mất là thực tế rành rành, còn trách nhiệm của chủ rừng thì cho rằng là “vấn đề lịch sử để lại”. Thiết nghĩ chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần sớm kiểm tra, xử lý để tránh “lịch sử lặp lại”.
Bề Tui