Đất thiêng Côn Đảo (4)

Thứ năm, 18/05/2017 12:55

Bài 4: Linh thiêng những "nữ thần hộ mệnh"

(Cadn.com.vn) - Côn Đảo hiện nay có 2 người phụ nữ được người dân tôn lên thành thần, được xem là người phù hộ, chở che cho người dân đảo giữa biển cả mênh mông. Người thứ nhất là bà Phi Yến, thứ phi của Chúa Nguyễn Ánh và nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu mà người dân Côn Đảo thường gọi với sự thân thương, kính trọng là "cô Sáu". Theo anh Lê Nhất Nhân, cán bộ Ban Quản lý di tích Côn Đảo thì câu chuyện về bà Phi Yến đã có cách đây hơn 230 năm, vừa mang tính bi tráng, vừa đậm màu huyền thoại và với khoảng thời gian lâu như vậy sẽ không tránh khỏi những chi tiết không chính xác nhưng với người dân Côn Đảo, bà vẫn là một nữ thần rất linh thiêng. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm. Năm 1783, để tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng, trong đó có mẹ con bà Phi Yến chạy trốn ra Côn Đảo. Vì thất bại liên tục nên trong thời gian lưu lại đây,  Nguyễn Ánh có ý định đưa hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải), là con ruột của ông với thứ phi Phi Yến tháp tùng cùng Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để xin cầu viện. Biết chuyện, bà Phi Yến khuyên can Chúa rằng: "Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu có thắng được Tây Sơn thì cũng chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau...". Với lời khuyên can chân thật như vậy nhưng Nguyễn Ánh không những không nghe mà còn nghi ngờ bà có ý thông đồng với quân Tây Sơn cản ngăn bước tiến của ông. Nếu không có lời can ngăn của một viên quan cận thần thì bà không thể thoát tội chém đầu. Để đày ải người vợ trẻ, ông ra lệnh giam bà vào một hang đá trên hòn đảo hoang vắng nằm về phía tây nam  của quần đảo Côn Đảo (nay là Hòn Bà).  Vừa giam bà xong thì nhận được tin cấp báo có thuyền Tây Sơn đang đuổi ra Côn Đảo, Nguyễn Ánh liền lệnh cho thuyền nhổ neo chạy ra Phú Quốc, bỏ mặc bà trên hòn đảo hoang vắng. Lúc này hoàng tử Hội An không thấy mẹ đâu mới đi khắp nơi trên thuyền để tìm thì được một vị quan cho biết cha đã giam mẹ của hoàng tử trên đảo. Hoàng tử khóc lóc và xin với cha rằng: "Bây giờ cha phải cho mẹ đi cùng, còn nếu không con sẽ ở lại đây cùng sống cùng chết với mẹ". Trong lúc tức giận, Nguyễn Ánh nói rằng: Thằng này còn nhỏ mà đã một lòng a tòng với kẻ thù, nếu giờ không diệt đi thì sau này lớn lên sẽ phản trắc. Liền sau đó, chúa Nguyễn Ánh đã ném hoàng tử Hội An xuống biển. Xác của hoàng tử trôi tấp vào làng Cỏ  được người dân chôn cất cẩn thận và lập miếu thờ. Ngày nay ở Côn Đảo còn lưu dấu tích ngôi mộ và miếu thờ hoàng tử Hội An có tên gọi là "Thiếu gia miếu".

Bên phần mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. 

Theo truyền thuyết dân gian, bà Phi Yến đã được 2 con  vật rất khôn ngoan, trung thành là vượn bạch và hắc hổ  cứu sống. Chúng đưa bà đến làng Cỏ Ống, nơi có mộ con của bà là hoàng tử Hội An. Dân làng Cỏ Ống hay tin đã dựng cho bà một ngôi nhà nhỏ ở gần đó để bà tiện bề lui tới  chăm sóc mộ cho con trai. Bà Phi Yến ở làng Cỏ Ống được 2 năm, đến tháng 10 âm lịch năm 1785, làng An Hải bên cạnh tổ chức một hội làm chay tế lễ trong làng, họ rước bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Đêm ấy, trong lúc đang nghỉ tại làng An Hải, một gã đồ tể tên là Biện Thi vì quá si mê nhan sắc của bà nên đã lẻn vào cấm phòng giở trò sàm sỡ. Khi tên này mới chỉ vừa cầm tay bà thì bà đã kịp thời tri hô dân làng bắt giam. Để bảo tồn tiết hạnh nên sau đó bà Phi Yến đã dùng dao chặt bỏ cánh tay mà tên Biện Thi đã cầm vào và nhân lúc không có người, bà đã treo cổ tự vẫn. Dân làng An Hải đã mai táng và lập miếu thờ bà để tưởng nhớ  người phụ nữ trung trinh tiết liệt. Hàng năm vào ngày 18-10 âm lịch, nhân dân Côn Đảo tổ chức lễ giỗ bà rất trang trọng và thường làm cỗ chay để tưởng nhớ đến câu chuyện từ một hội làm chay mà bà đã phải bỏ mình. Nhiều người cho rằng câu thơ "Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay", là hàm ý nói về bà Phi Yến và hoàng tử Hội An, vì từ "cải" và từ "răm" trong câu thơ ứng với tên của hoàng tử và tên của bà Phi Yến. Một thời gian dài, ngôi mộ và ngôi miếu của bà không ai chăm sóc, đến 1968, Trưởng Ty ngân khố tỉnh Côn Sơn đã  dựng một ngôi miếu mới đặt tên là An Sơn miếu tại làng An Hải. Bà được coi là vị nữ thần bảo hộ cho đời sống bà con trên đảo.

  Vị nữ thần thứ hai mà người dân Côn Đảo rất mực tôn kính là Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu-người nữ tử tù đầu tiên bị đưa ra Côn Đảo vào ngày 22-1-1952 và bị giặc Pháp xử bắn chỉ một ngày sau đó. Những câu chuyện linh thiêng về liệt sĩ Võ Thị Sáu thì có rất nhiều và người dân Côn Đảo dường như ai cũng nhớ nằm lòng. Người ta kể rằng, trước đây mỗi khi có việc quan trọng, nhiều người thường nói câu: "Thề có trời đất quỷ thần chứng giám", thì nay câu thề đó được đổi thành: "Thề có cô Sáu chứng giám", đủ thấy rằng người dân rất tin tưởng vào sự linh thiêng của người nữ anh hùng và luôn coi "Cô Sáu"  như một vị nữ thần che chở cho họ. Hiện nay, tại Côn Đảo có một nhà trưng bày, một ngôi trường và một con đường mang tên Võ Thị Sáu. Hàng năm vào ngày 23-1, bà con nhân dân và chính quyền Côn Đảo tổ chức lễ giỗ cho chị rất trang trọng. Người ta bảo, vào ngày ấy, gia đình nào cũng làm giỗ chị. Nhà nhà mang hoa, mang lễ ra thắp hương kín mộ chị từ sáng cho tới khuya. Thế là, từ một liệt sĩ anh hùng hy sinh vì dân, vì nước, Võ Thị Sáu đã trở thành một vị thần hộ mệnh của nhân dân Côn Đảo...

An Sơn Miếu thờ thứ phi Phi Yến, một trong hai nữ thần ở Côn Đảo.

Vượt cả ngàn cây số đến thắp hương trước phần mộ của người nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, các cán bộ phụ nữ CATP Đà Nẵng ai cũng trào dâng niềm xúc động và tự hào về người chị, người nữ đồng chí trong lực lượng CAND. Hơn 60 năm trôi qua nhưng hình ảnh kiên trung, bất khuất của người nữ anh hùng CAND trẻ tuổi, trước cái chết vẫn điềm tĩnh cài hoa lên mái tóc, không cho kẻ thù bịt mắt và cất cao tiếng hát như vẫn còn đâu đây, luôn khích lệ, động viên các thế hệ đàn em không ngừng phấn đấu, rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa để xây dựng, bảo vệ mảnh đất quê hương mà chị và biết bao đồng chí, đồng bào đã không tiếc máu xương để có ngày hôm nay.

K.T

(còn nữa)