Liên đoàn Arab tái tiếp nhận Syria - bước tiến hướng đến hòa bình ở Trung Đông

Thứ ba, 09/05/2023 09:17
Ngày 7-5, các ngoại trưởng của Liên đoàn Arab (AL) đã thông qua quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria trong AL sau 12 năm đình chỉ. Đây được xem là một bước tiến gần hơn đến hòa bình ở Trung Đông.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký AL Gamal Roshdy xác nhận quyết định trên đã được thông qua tại cuộc họp kín của các ngoại trưởng AL ở trụ sở của khối tại Cairo (Ai Cập). Theo Tổng thư ký AL Ahmed Abul-Gheit, quyết định trên đồng nghĩa với việc các quốc gia Arab sẽ liên lạc với Damascus lần đầu tiên sau nhiều năm để thảo luận về vấn đề cấp bách của Syria, bao gồm cuộc khủng hoảng do nội chiến ở nước này, việc người tị nạn chạy sang các nước láng giềng và buôn lậu ma túy trong khu vực. Ông Abul-Gheit ca ngợi quyết định này là "thực tế" vì AL hiểu rằng việc giải quyết vấn đề Syria "không thể đạt được trong một sớm một chiều" và "cần có thời gian".

Tại cuộc họp ngày 7-5, AL đã nhất trí thành lập một ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng, bao gồm đại diện của Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Lebanon và Tổng thư ký AL, nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria. Ủy ban mới thành lập sẽ theo dõi các bước được thực hiện theo hướng này và liên lạc với Chính phủ Syria và các bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế về vấn đề này.

Nỗ lực tiến tới hòa bình

AL đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria sau khi xung đột nổ ra tại quốc gia Trung Đông này năm 2011. Nhiều quốc gia Arab đã rút các phái viên của họ ra khỏi Damascus. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bị nhiều quốc gia phương Tây và Arab tẩy chay vì đàn áp mạnh bạo các cuộc biểu tình bằng bạo lực, dẫn đến nội chiến kéo dài nhiều năm khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.

Quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria trong AL được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này diễn ra tại Saudi Arabia vào ngày 19-5 tới và trong bối cảnh khu vực đang có nhiều nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Damascus. Thời gian gần đây, một số nước Arab, trong đó có Saudi Arabia và Ai Cập, đã có các động thái nối lại quan hệ với Syria thông qua các chuyến thăm và cuộc gặp cấp cao. Tuần trước, các ngoại trưởng Ai Cập, Syria, Jordan, Saudi Arabia và Iraq gặp nhau tại thủ đô Amman của Jordan để thảo luận về cuộc xung đột kéo dài ở Syria. Tháng trước, Ai Cập và 8 quốc gia Arab đã tham gia một cuộc họp tham vấn tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, để thảo luận về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria và việc đưa nước này trở lại AL.

Trước việc được khôi phục tư cách thành viên, Syria hôm 7-5 kêu gọi các quốc gia Arab thể hiện "sự tôn trọng lẫn nhau". Bộ Ngoại giao nước này đồng thời nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc hợp tác và đối thoại để giải quyết những thách thức mà các nước Arab phải đối mặt".

Còn nhiều khó khăn phía trước

Hơn 10 năm xung đột, Syria đã đối mặt với việc không chỉ bị phương Tây mà còn cả các nước láng giềng Arab cô lập. Việc AL đưa Syria trở lại khối được đánh giá là một thành tựu ngoại giao quan trọng của Tổng thống Syria Assad trong tăng cường vị thế chính trị. Tuy nhiên, con đường phía trước không hề dễ dàng.

Tổng thư ký AL Ahmed Abul-Gheit cho biết, quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria trong AL không đồng nghĩa với việc khôi phục quan hệ bình thường giữa Syria và các quốc gia Arab, vì việc thiết lập quan hệ vẫn là quyết định có chủ quyền của từng quốc gia. Nhiều quốc gia, trong đó có Qatar, vẫn phản đối việc bình thường hóa hoàn toàn mà không có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria. Một số quốc gia đã muốn đặt điều kiện cho sự trở lại của Syria. Vào tuần trước, ngoại trưởng Jordan khẳng định động thái tái chấp thuận Syria của Liên đoàn Arab sẽ chỉ là khởi đầu của "một quá trình rất dài, khó khăn và đầy thách thức".

Reuters cho biết, Mỹ đã thể hiện sự khó chịu trước việc Syria trở lại AL. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington "không tin Syria xứng đáng được trở lại AL vào thời điểm hiện tại" và quả quyết rằng, các biện pháp trừng phạt chống Damascus vẫn giữ nguyên hiệu lực. Washing vẫn thể hiện "hoài nghi về việc Tổng thống Assad sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria", dù Washington chia sẻ các mục tiêu của các đối tác Arab liên quan đến Syria, bao gồm việc thiết lập an ninh và ổn định.

Tuy nhiên, Nga - đồng minh của ông Assad, hoan nghênh diễn biến mới. "Moscow hoan nghênh bước đi được chờ đợi từ lâu, là kết quả hợp logic của quá trình đưa Syria trở lại gia đình Arab", bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, nói trong một thông cáo.

AN BÌNH