Nhớ ngày giải phóng Trường Sa

Thứ hai, 27/04/2020 18:15

Đại tá Đồng Phú Quế, hiện ở P. Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội)  nguyên là Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5). Câu chuyện ông kể về những ngày Tiểu đoàn đi giải phóng Trường Sa càng thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng và quân đội ta về chủ quyền biển đảo.

Lãnh đạo quân chủng Hải quân thị sát tình hình Trường Sa sau khi quần đảo này được giải phóng. Ảnh: Tư Liệu.

"Bảo vệ đảo trong mọi tình huống"

Trong đội hình Trung đoàn 38, Tiểu đoàn 4 như cơn lốc từ Quảng Nam tiến về giải phóng Đà Nẵng. Để làm chậm bước tiến công của ta, địch ném bom phá sập cầu Bà Rén và cầu Cao Lâu. Những bước chân thần tốc vọt qua cầu gỗ đang cháy dở. Số còn lại được hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ của nhân dân hai bên bờ ào ra chở qua sông cho kịp hành quân. Ngày 29-3, dọc hướng bờ biển, Tiểu đoàn tiến vào khu vực Non Nước, làm chủ sân bay Nước Mặn rồi cùng Tiểu đoàn 5 kiểm soát bán đảo Sơn Trà. Đang tham gia quân quản thành phố vừa giải phóng, thì có xe chở toàn Tiểu đoàn về nhận nhiệm vụ phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Hải quân đi giải phóng Trường Sa.

CCB Đồng Phú Quế nhớ lại: "Tầm 4 giờ chiều ngày 11-4-1975, cả Tiểu đoàn 4 với chừng 300 quân dưới sự chỉ huy của Thượng úy Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Trường cùng với bộ phận hỏa lực của Trung đoàn 368 tập hợp chỉnh tề tại cảng Tiên Sa. Trước đó, một số lượng lớn lương thực, thực phẩm do ta tiếp quản kho quân sự An Đồn đã được chuyển lên tàu. Chính ủy Trung đoàn 38 Nguyễn Đức Thế đã có mặt. Thiếu tướng Đoàn Khuê - Phó Chính ủy Quân khu 5 (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã mất) giao nhiệm vụ và căn dặn trước hàng quân: "Giải phóng xong Trường Sa, các đồng chí tiếp tục nêu cao tinh thần chiến đấu, bảo vệ đảo trong mọi tình huống". Lời dặn dò của thủ trưởng đã theo bộ đội suốt thời gian ở Trường Sa. Sau này khi ông ra Hà Nội, tôi có gặp, nhắc lại chuyến đi ra đảo, Đại tướng vẫn còn xúc động.

Đoàn tàu vận tải 3 chiếc của Lữ đoàn 125 vừa ra khỏi cảng vài chục hải lý thì gặp cơn lốc lớn. Gió xoáy mạnh, sóng ập vào mũi tàu làm mọi người ướt sũng. Các chiến sĩ quen ở rừng nay ra biển đều say sóng, không ăn uống được gì. Cập cảng Quy Nhơn nghỉ ngơi lại sức, cả đoàn tiếp tục lên đường. Lúc này một số máy bay của chính quyền ngụy Sài Gòn vẫn còn lởn vởn trên đầu. Tàu trang bị dạng tàu đánh cá. Súng ống đều được phủ bạt. Bộ đội ở gọn trong khoang, chỉ khi qua vùng nào yên tĩnh mới lên trên hít thở khí trời.

Tầm 19 giờ ngày 14-4, tàu của hải quân ta tiếp cận đảo Song Tử Tây là đảo xa nhất. Sau 3 ngày mệt lừ, chiến sĩ tưởng không còn sức chiến đấu, vậy mà khi có lệnh, tất cả đều vùng dậy. Lợi dụng lúc thủy triều lên, tàu tắt máy dạt vào trôi tự do áp sát mục tiêu. Lực lượng đặc công nước hải quân dùng hàng chục xuồng cao su chở chiến sĩ tiếp cận đảo. Sau hơn một giờ vật lộn trong dòng nước xoáy với những cơn sóng lớn và mỏm san hô lởm chởm, Tiểu đoàn chia làm ba mũi bắt đầu tấn công. Tên lính ngụy đứng gác trên nóc lô cốt, bất ngờ rọi đèn pin đúng vào đội hình. Biết bị lộ, đơn vị nổ súng.

 4 giờ ngày 14-4, trận đánh bắt đầu. Hỏa lực của ta nã tới tấp vào trung tâm đảo và lô cốt chỉ huy địch. Bị đánh trực diện, địch rút về phía đông- nam đảo, tổ chức chống cự. 5 giờ, ta đã kéo cao cờ Mặt trận DTGPMNVN trên đỉnh cột cờ của đảo. Trên bia chủ quyền và các nóc hầm của địch, cờ giải phóng tung bay trong gió. Trong trận đánh này, ta bắt được tên đảo trưởng cùng 32 sĩ quan và lính ngụy, thu toàn bộ quân trang, quân dụng. Có một chi tiết đáng chú ý đó là, ta vừa giải phóng đảo Song Tử Tây, vài giờ sau, có nhiều chiếc tàu lạ tiến đến muốn chiếm đảo nhưng thấy ta đã cắm cờ, chúng rút quân.

 Đại tá Đồng Phú Quế (hàng trước) với các CCB trong chuyến thăm lại Đà Nẵng.

Sẵn sàng khi Tổ quốc cần

Đảo Song Tử Tây được giải phóng. Hệ thống phòng thủ trên quần đảo bị đe dọa, mấy ngày sau, Bộ tư lệnh Hải quân ngụy vội điều quân từ Vũng Tàu ra Trường Sa. Nhưng trong tình thế thất bại, bọn chúng không dám phản kích mà quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh Hải quân ta, trong những ngày tiếp theo, Tiểu đoàn 4 tiếp tục tiến công giải phóng đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn. Những đảo này, số quân ngụy ở không nhiều, thấy khí thế bộ đội, chúng đều tự nguyện giao nộp vũ khí.

Để bảo vệ biển đảo, bộ đội Tiểu đoàn 4 tiếp tục bám trụ, chịu đựng thiếu thốn mọi bề, nhất là thiếu rau xanh. Những người lính đã từng đối mặt với đói, đau, đạn, địch những năm ở chiến trường lại động viên nhau vượt qua tất cả. Nghe thông tin trên đài bán dẫn biết miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ai cũng muốn về quê hương chứng kiến ngày đoàn tụ nhưng vì nhiệm vụ, anh em vẫn vững vàng nơi tiền tiêu. Đến tháng 7- 1975, Tiểu đoàn 4 trực thuộc quân chủng Hải quân.

Trở về đảm nhận trợ lý cán bộ trung đoàn trước khi đơn vị sáp nhập, Đại tá Đồng Phú Quế tiếp tục cùng Trung đoàn 38 tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường K, sau đó ông về Thủ đô Hà Nội. Ông rất vui khi biết rằng, đã có một Tiểu đoàn 4 mới trong đội hình Trung đoàn 38. Từ chiến công ở Trường Sa, hàng năm, dù đứng chân ở địa bàn Tây Nguyên, Trung đoàn đều được Quân khu giao huấn luyện biển đảo. Đơn vị hành quân vượt hàng trăm cây số về các tỉnh ven biển tổ chức diễn tập, bắn đạn thật, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo khi Tổ quốc cần. Ông Quế chỉ mong một lần ra lại Trường Sa nhưng vẫn chưa thực hiện được.

45 năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm ngày hội quân ở cảng Tiên Sa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người lính Trung đoàn 38.

HỒNG VÂN