Trung Quốc rối trí vì Ukraine

Thứ hai, 10/03/2014 11:55

(Cadn.com.vn) - Khi các nhà lãnh đạo thế giới đang tranh nhau định hình các sự kiện ở Ukraine, Trung Quốc vẫn ngồi yên, thậm chí không thể nói lên lập trường của mình.

Động thái này phơi bày cách tiếp cận ngoại giao bấy lâu nay của gã khổng lồ Châu Á là “không can thiệp vào tình hình nội bộ các nước khác”. Nhưng giờ đây, giới phân tích dấy lên làn sóng chỉ trích Bắc Kinh vì thái độ thờ ơ.

Bắc Kinh bị chê vì quá tụt hậu so với sự phát triển kinh tế và chính trị nhanh chóng trên trường quốc tế. Kenneth Lieberthal, một chuyên gia về Trung Quốc và thành viên cao cấp tại Viện Brookings ở Washington cho biết, Bắc Kinh hiện có lợi ích toàn cầu nhưng không kèm theo một chiến lược toàn cầu... Theo các chuyên gia chính trị, Trung Quốc đang tỏ ra rất mâu thuẫn.

Lực lượng quân sự được cho là của Nga vẫn đang kiểm soát thủ phủ Simferopol ở Crimea. Ảnh: CNN

Nền kinh tế số 2 thế giới mặc dù mong muốn có vị thế lớn hơn trên toàn cầu, song họ lại theo đuổi những mục tiêu hạn hẹp ở bên ngoài nước, miễn là mối quan tâm cốt lõi của họ không bị ảnh hưởng. Hành động này mặc nhiên cho phép quốc gia đồng minh trong 5 nước HĐBA LHQ là Nga đi đầu trong nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng như xung đột ở Syria và nay là Ukraine. Theo AFP, đó là cách tiếp cận thực dụng, giống như hình ảnh thường thấy của Bắc Kinh ở Châu Phi với những con số đầu tư thương mại không ngừng tăng cao.

Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh tìm cách củng cố quan hệ với Nga, kế thừa truyền thống từ thời Liên Xô cũ. Không vì thế mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn Moscow là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài sau khi nhậm chức vào năm 2013. Sau đó, ông lại đến Nga vào tháng 2 vừa qua, tham dự Lễ khai mạc Olympic mùa đông Sochi trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây phớt lờ.

Khi cuộc khủng hoảng Crimea nổ ra, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho biết, Moscow-Bắc Kinh có chung quan điểm về vấn đề này. Bản thân People Daily – tờ báo hàng đầu của Trung Quốc cũng có bài viết chỉ trích Phương Tây duy trì “tâm lý Chiến tranh Lạnh” đối với Nga trong cuộc đua giành ảnh hưởng với Ukraine, đồng thời kêu gọi xóa bỏ tư duy lỗi thời như vậy để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Kiev. Báo trên đăng bài xã luận cho thấy phản ứng mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh trước mối bất hòa giữa Phương Tây và Nga. Nhưng Bắc Kinh cũng kịch liệt kêu gọi “không can thiệp” vào công việc nội các nước khác, một phần để tạo thuận lợi thương mại với Ukraine.

Ukraine sẽ không nhường “1 tấc đất” cho Nga

Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 9-3 đã thề, nước này sẽ không nhường "1 tấc đất" cho Nga.

Theo AFP, phát biểu tại cuộc tuần hành của hàng ngàn người ở thủ đô Kiev tôn vinh anh hùng dân tộc thế kỷ XIX Taras Shevchenko, ông Yatsenyuk nói: “Đây là đất đai của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cho đi bất cứ tấc đất nào. Nga và tổng thống nước này nên biết điều đó”. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi lực lượng của Nga và các tay súng ủng hộ Điện Kremli giành quyền kiểm soát bán đảo Crimea của Ukraine ở khu vực Biển Đen.

Rõ ràng, “các sự kiện ở Ukraine rất bất tiện cho Bắc Kinh” như đúng lời chuyên gia Lieberthal nhận định. Và theo ông: “Đó là lý do tại sao Bắc Kinh thường đưa ra những tuyên bố rối bời về vấn đề này”. Khi các phóng viên cố gắng hỏi rõ xem liệu Bắc Kinh có ủng hộ Moscow hoặc xem xét hình thức can thiệp vào vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tần Cương từ chối trả lời. Để rồi sau đó, ngay sau khi dấy lên những tuyên bố trừng phạt mạnh mẽ vào Nga, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, các biện pháp trừng phạt không phải là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có cho rằng cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là vi phạm luật pháp quốc tế hay không, ông Tần Cương cũng không trả lời trực tiếp mà cho hay: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ở Ukraine giải quyết hòa bình... cũng như nghiêm túc bảo vệ lợi ích của toàn bộ nhân dân Ukraine...”.

Tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh là không thể phủ nhận. Khẩu hiệu kể từ khi lên nhậm chức của ông Tập Cận Bình là “Giấc mơ Trung Quốc” - gợi lên ý tưởng về vai trò dẫn đầu thế giới. Sự hiện diện của họ hiện đang được mở rộng từ Trung Đông sang Châu Phi đến Châu Mỹ Latinh. Ngay cả trong các vùng xung đột như Afghanistan và Iraq, Bắc Kinh cũng nỗ lực giành ảnh hưởng để có được nguồn năng lượng và nguồn lực cần thiết để nuôi sống dân số lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng Trung Quốc lại không muốn “động chạm” vào những khủng hoảng lớn trên toàn cầu để không làm phật lòng ai cả.

Xin mượn câu nói của một chuyên gia về Trung Quốc để kết thúc bài viết này. “Trung Quốc vừa là nước đang phát triển vừa là nước phát triển; một nước yếu và mạnh; một nước nghèo và giàu; một đất nước bình thường và là một siêu cường. Kết quả là, chính lợi ích của họ cũng mâu thuẫn”.

Khả Anh