Yếu tố con người trong phát triển du lịch
(Cadn.com.vn) - Thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch, trong những năm qua, TP Đà Nẵng đã chú trọng khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương. Ngoài những chủ trương, chính sách chung trong phát triển lĩnh vực mũi nhọn này của thành phố thì điều muốn nói đến ở đây là nói về một nhân tố quan trọng, góp phần để du lịch thành phố phát triển bền vững, đó là nhân tố con người. Những người Đà Nẵng, từ người lãnh đạo đến người dân bình thường, trong những năm qua, đã chung sức đồng lòng tạo dựng nên một Đà Nẵng thân thiện và yên bình, đã gián tiếp tham gia làm cho du lịch thành phố phát triển khởi sắc.
Cũng như bất kỳ địa phương nào, để thu hút được du khách gần xa đến với địa phương mình là phải làm cho du khách cảm thấy thích thú, an toàn và thoải mái, muốn đến lại lần sau và Đà Nẵng cũng không phải là ngoại lệ. Trong những năm qua, bằng nhiều nỗ lực và bằng bản chất tự nhiên, bản chất văn hóa của chính người Đà Nẵng, đã làm cho bạn bè gần xa có những đánh giá, cảm nhận mang tính tích cực về mảnh đất và con người nơi đây. Có thể nêu ra đây những cái được mà người Đà Nẵng đã tạo nên một cách tự nhiên.
Đối tượng bao trùm hơn cả là những người dân Đà Nẵng, những con người đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè gần xa mỗi khi đến đây. Trước hết, đó là sự thân thiện, gần gũi, “giỏi đi vào lòng người” của người Đà Nẵng. Những con người Đà thành tuy “ăn cục nói hòn”, chân chất, giản dị nhưng lại chân thành, “mến khách, tốt bụng đến kỳ lạ” như một du khách đến từ một địa phương khác đã nhận xét... Chính cách sống, cách hành xử, tình cảm chân thật, nhiệt thành, có trách nhiệm giữa người Đà Nẵng với bạn bè trong và ngoài nước, với thiên nhiên và trên hết là tình yêu thành phố quê hương, đã là một yếu tố quan trọng để Đà Nẵng trở thành nơi muốn đến không chỉ một lần của nhiều du khách.
Đà Nẵng thu hút du khách không chỉ có cảnh quan mà còn từ “thương hiệu” thân thiện, mến khách (trong ảnh: Bình yên biển Đà Nẵng). |
Sự hiếu khách, niềm nở của người Đà Nẵng đối với du khách có thể thấy từ em bé đến cụ già, từ anh xe thồ đến chị tiểu thương... Có một người bạn của tôi, từ một tỉnh phía Bắc, lần đầu tiên đến Đà Nẵng, đã thốt lên rằng: “Người Đà Nẵng sao mà thân thiện, dễ thương thế!”. Anh nói, chỉ đơn giản việc hỏi đường thôi mà bất kỳ ai cũng hướng dẫn rất tận tình, cặn kẽ, điều mà những thành phố lớn khác không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một chị bạn nữa của tôi cũng kể lại rằng, khi mới đến Đà Nẵng, vì chưa thuộc đường, thỉnh thoảng phải dừng lại hỏi, đảm bảo chỉ có hỏi chị bán bánh mỳ thì cả những người đang uống nước mía gần đó cũng bước ra chỉ dẫn rất tận tình, có khi có người còn lấy xe dẫn mình đi qua khỏi đoạn khó diễn tả nữa. Điều này làm chị rất xúc động. Từ những cách hành xử rất đời thường nhưng đậm nét nhân văn đó, đã làm toát lên một Đà Nẵng rất đáng mến, thân thiện, chân thành, được bắt đầu từ những con người Đà thành bình dị như vậy.
Câu chuyện hành xử “lạ” của cảnh sát giao thông (CSGT) Đà Nẵng, cũng là một yếu tố làm cho người ta ta yên tâm hơn khi đến Đà Nẵng. Một đối tượng, ở nhiều địa phương khác thường hay bị “săm soi” và phê bình nhất, lại là những người được khen ngợi và ủng hộ nhiều nhất. Đơn giản là vì người CSGT Đà Nẵng đã để lại những ấn tượng đẹp, thông qua cách hành xử nhân văn của các anh với du khách, với người vi phạm, làm cho ai đó dù có bị “tuýt còi”, cũng cảm thấy yên tâm và nếu bị xử phạt cũng “tâm phục khẩu phục”. Có người bạn từ ngoài Bắc vào tâm sự với người viết rằng: “Đà Nẵng làm du lịch rất khéo, bởi ngay cả lực lượng CSGT... cũng làm du lịch”.
Một đối tượng cũng có thể xem là những “sứ giả du lịch”, đó là đội ngũ lái xe taxi Đà Nẵng. Thực tế là tài xế taxi Đà Nẵng ít gây điều tiếng, nếu so với các thành phố lớn khác, mỗi người đều ít nhiều thể hiện là một hướng dẫn viên du lịch khá đắc lực của thành phố và cũng chính vì vậy mà một hành động chưa đẹp nào của tài xế taxi trước mặt du khách đều ít nhiều làm ảnh hưởng đến nét đẹp của người Đà Nẵng. Taxi Đà Nẵng đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng du khách, đặc biệt là sự trung thực không tham của rơi và cả hành động dũng cảm phối hợp cùng các lực lượng khác truy bắt các đối tượng trộm cướp...
Năm 2016, thành phố tiếp tục triển khai năm văn hóa văn minh đô thị, vai trò của mỗi con người Đà Nẵng lại tiếp tục được thể hiện ở mức cao hơn. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thành phố sẽ đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa ứng xử, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, văn minh để thu hút ngày càng đông khách du lịch đến tham quan. Và người Đà Nẵng đã, đang và sẽ tham gia “xã hội hóa” du lịch bằng cách nghĩ, việc làm và tình yêu quê hương, lòng tự hào của mình. Đó là một nhân tố quý báu cần được giữ gìn, phát huy trên bước đường xây dựng và phát triển đi lên văn minh, hiện đại và “đáng sống” của thành phố.
Dân Hùng