Sập bẫy “đu Idol” một phụ nữ bị lừa hơn 2 tỷ đồng

Thứ hai, 01/07/2024 08:00

Ngày 30-6, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Công an tỉnh Bình Phước cho hay, đang xác minh thông tin trình báo của bà L.H.T (trú P. Minh Thành, TX Chơn Thành, Bình Phước) về việc bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.

Bị “chuyên gia… lừa” dắt mũi

Theo trình báo của bà L.H.T, cuối tháng 5-2024, một tài khoản mạng xã hội Telegram có tên “Hằng HD Thúy” gửi kết bạn và nhắn tin giới thiệu việc làm trực tuyến tại nhà, không mất phí dịch vụ, không cọc tiền. Theo đó, bà T. chỉ cần làm nhiệm vụ nghe nhạc trên ứng dụng Zing mp3, sau đó bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ rồi chụp gửi thì sẽ nhận được 35.000 đồng/1 điểm bình chọn. Khi bà T. đồng ý tham gia thì được “Hằng HD Thúy” hướng dẫn vào một hội nhóm trên mạng xã hội Telegram và làm nhiệm vụ bỏ phiếu cho ca sĩ để đổi điểm.

Tiếp đó, “Hằng HD Thúy” gửi một đường link (giả mạo ứng ụng Zingmp3) và hướng dẫn bà T. sử dụng tài khoản Telegram kết bạn với “chuyên gia” có tên “Nguyễn Duy Hải” để được hướng dẫn làm nhiệm vụ bỏ phiếu với mức nộp 200.000 đồng sẽ nhận được 80.000 đồng/1 điểm bình chọn. Sau khi làm xong hết các nhiệm vụ thì bà T. sẽ được chuyển khoản trả lại số tiền cọc đã nộp.

Tin nhắn hướng dẫn làm nhiệm vụ và lợi nhuận được đối tượng lừa đảo gửi cho bà T.
Bà L.H.T trình báo vụ việc bị lừa với cơ quan Công an.

Đến ngày 12-6, bà T. được đối tượng thông báo tham gia vào “Nhóm bỏ phiếu Zingmp3” và hướng dẫn bà làm hợp đồng cam kết để được hưởng lợi nhuận từ 40%-50%. Sau đó, bà T. tham gia làm nhiệm vụ “Lượt bình chọn 1” và vào đường link do đối tượng gửi trên nhóm để bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ M.T. Để có được 50 điểm bình chọn thì bà T. phải nộp số tiền cọc tương ứng 5 triệu đồng (số tiền này đối tượng nói sẽ trả lại sau khi hoàn thành nhiệm vụ). Do muốn được hưởng lợi nhuận nhiều nên bà T. đã liên tiếp tham gia các nhiệm vụ 2,3,4,5 và 6 với số tiền nộp ngày càng nhiều hơn và số điểm thưởng cũng cao dần lên 850 điểm tương ứng với tiền được hưởng là 127 triệu đồng.

Bà T. bị cuốn theo, liên tiếp nhận được sự chỉ dẫn của các “chuyên gia” trong nhóm và do hám lợi nên đã liên tiếp chuyển khoản 19 lần với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Đến khi bà T. muốn rút tiền gốc và lãi thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do để thoái thác trả lại tiền đã nạp vào hệ thống. Lúc này, nghi ngờ bị tội phạm công nghệ cao lừa số tiền hơn 2,3 tỷ đồng bà T. đã đến cơ quan Công an trình báo.

Tin nhắn hướng dẫn làm nhiệm vụ và lợi nhuận được đối tượng lừa đảo gửi cho bà T.

Qua vụ việc này, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn và được hướng dẫn giải quyết.

Cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo mới

Liên quan đến tình trạng tội phạm lừa đảo trên mạng Internet, ngày 30-6, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã đưa ra loạt cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảomới được cơ quan chức năng ghi nhận trong tuần qua (từ ngày 24 đến ngày 30-6).

1- Mạo danh cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh: Thông qua mạng xã hội, các đối tượng tìm kiếm, tiếp cận với những người có nhu cầu xuất cảnh đi nước ngoài. Đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ hộ chiếu, xin visa; yêu cầu nộp ảnh chân dung, ảnh chụp căn cước công dân để làm thủ tục. Các đối tượng gửi lại cho nạn nhân ảnh chụp hộ chiếu, visa được xác định giả mạo kiểu cắt ghép, chỉnh sửa. Đối tượng thông báo cho nạn nhân biết về thời gian xuất cảnh, yêu cầu có mặt tại sân bay nhận giấy tờ. Khi nạn nhân có lòng tin thì các đối tượng tiếp tục gửi văn bản giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, có nội dung “xác minh, chứng minh nguồn thu nhập và tài chính”, yêu cầu phải chuyển khoản tiền lớn vào tài khoản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để hoàn thiện hồ sơ và sẽ chuyển trả lại sau 30-40 phút. Nếu nạn nhân tin tưởng, thực hiện chuyển tiền thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.

2- Mạo danh Shark Tank Việt Nam: Đối tượng lừa đảo tiếp cận nạn nhân qua Facebook để giới thiệu việc làm, kêu gọi thực hiện nhiệm vụ like (thích), theo dõi fanpage và bình chọn cho các "cá mập" của Shark Tank Việt Nam để nhận tiền lương mỗi ngày. Sau đó, những đối tượng lừa đảo yêu cầu những người này nạp tiền vào hệ thống theo hình thức chuyển khoản đến một số tài khoản để quy đổi điểm và nhận lại tiền gốc cùng hoa hồng. Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, nạn nhân sẽ nhận được đầy đủ tiền gốc và hoa hồng nên tin tưởng thực hiện nhiệm vụ của các ngày tiếp theo. Đến khi số tiền nạp vào hệ thống lên đến hàng chục triệu đồng nhưng không nhận được tiền gốc và hoa hồng, họ mới phát hiện mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3- Giả mạo Công ty Giao hàng tiết kiệm: Một số đối tượng lừa đảo giả mạo nhân viên của Công ty Giao hàng tiết kiệm (GHTK), đánh lừa nạn nhân về việc hoàn tiền đơn hàng GHTK nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối tượng giả mạo yêu cầu nạn nhân truy cập trang web lạ, thực hiện theo hướng dẫn để được hoàn tiền. Đối tượng yêu cầu nạn nhân phải có số dư trên 3,5 triệu đồng thì mới có thể thực hiện giao dịch, từ đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

T.H

Bắt tạm giam ban Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giao thông vận tải Quảng Nam

Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giao thông vận tải – Chi nhánh Công ty cổ phần giao thông vận tải Quảng Nam đã có có hành vi sử dụng giáo viên, phương tiện xe ô-tô dạy tập lái khống để hợp thức hồ sơ đào tạo của hơn 800 học viên học lái xe nhằm thu lợi bất chính.

Lừa bán bùa ngải trên mạng thu lợi hàng chục tỷ đồng

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người, Nguyễn Văn Kiên và đồng bọn đã rao bán các loại “bùa ngải” với giá đắt đỏ. Trong 6 năm, nhóm đối tượng đã bán “bùa” cho hàng nghìn người trên khắp cả nước với tổng số tiền thu lợi hơn 86 tỷ đồng.

Thiếu niên 16 tuổi móc nối nhiều thanh niên “rửa tiền” lừa đảo qua mạng

Chiếm quyền sử dụng Zalo, Hoàng Mạnh Quỳnh (2006, trú TX Quảng Trị, Quảng Trị) thực hiện hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Có rất nhiều vụ Quỳnh thực hiện khi chưa đủ 16 tuổi nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn những vụ thực hiện khi đủ 16 tuổi nên Quỳnh bị truy tố xét xử.