Can thiêp vào Trung Đông: Nhiệm vụ bất khả thi?

Thứ tư, 04/09/2013 10:15

(Cadn.com.vn) - Bài toán khó nhằn ở Syria đang là minh chứng rõ ràng cho thấy những khó khăn trong nỗ lực can thiệp vào Trung Đông của Mỹ.

Mùa xuân Arab dường như đã ở “thì quá khứ”. Tiếng nói Thành Tunis và Quảng trường Tahrir, các cuộc nổi dậy ở Benghazi, các cuộc biểu tình đường phố ở Yemen và Bahrain hứa hẹn một sự thức tỉnh ở những quốc gia mà chính trị bị giới hạn trong tầng lớp thượng lưu- đã không còn có thể “nở hoa”.

Quyền lực mềm

Không rõ ràng như Libya, nhưng ai cũng biết rằng, Mỹ sử dụng một số ảnh hưởng chính trị đáng kể trong khu vực để lật đổ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và Tổng thống Tunisia Zine El Abedine Ben Ali. “Quyền lực mềm” - tư vấn, hòa giải, thuyết phục và viện trợ - đã phát huy tác dụng trong khi “quyền lực cứng” bị “thất sủng”.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Barack Obama nỗ lực thể hiện mình khác xa với người tiền nhiệm George W. Bush – người phát động tấn công Iraq và Afghanistan – bằng chính sách đối ngoại đa phương hơn. Libya chính là một ngoại lệ. Thỏa thuận mang tính quốc tế hiếm hoi và nhanh chóng may mắn đạt được tại LHQ, cho phép các vụ không kích để ngăn chặn một cuộc tắm máu ở Benghazi. Các mục tiêu - hầu hết là trải dài khắp bờ biển Địa Trung Hải - được bảo vệ kém và dễ dàng bị tấn công từ biển hoặc căn cứ không quân ở Italia. Mặc dù vậy, máy bay chiến đấu của NATO vẫn phải bay 21.000 phi vụ trong gần 6 tháng để thực thi một vùng cấm bay ở Libya.

Kết quả là, chỉ vài tháng sau khi chế độ Tổng thống Gaddafi bị lật đổ - nhóm khủng bố Al-Qaeda đã kịp gieo hỗn loạn và xung đột lấn át chính quyền mới. Trước khi qua đời ở Benghazi vào tháng 9 trong vụ Đại sứ quán Mỹ bị tấn công, Đại sứ Chris Stevens tiết lộ sự thất vọng và lo lắng về sự gia tăng của lực lượng dân quân và bạo lực ở Libya.

Ở Iraq, kể từ khi Mỹ rút quân, bạo lực giáo phái lên đến mức tồi tệ nhất trong vòng 5 năm. Đánh bom là chuyện như cơm bữa. Theo con số thống kê mới nhất, chỉ trong tháng 8 vừa qua, có 804 người chết và 2.030 người bị thương trong các vụ tấn công. Những vấn đề rắc rối của Ai Cập - chính trị, kinh tế - thách thức bất kỳ giải pháp ngắn hạn nào. Hy vọng mờ nhạt cho một thay đổi dân chủ thời hậu Mubarak đã bị dập tắt.

Xung đột và hận thù giáo phái đang bùng phát khắp Trung Đông.

Biểu tình phản đối tấn công Syria tại Quảng trường Thời đại, Mỹ. Ảnh: CNN

Syria - bài toán khó giải

Syria thật sự là bài toán khó nhằn nhất khi ông chủ Nhà Trắng và các đồng minh dường như không có cảm giác ngon miệng với Damascus.

Trong lúc này, những chiến dịch tấn công quân sự thường không được ưa chuộng ở ngay trong nội địa nước Mỹ vì rất tốn kém và đòi hỏi cam kết kéo dài nhiều năm. Mà tựu chung, sau những cuộc tấn công này, rồi Mỹ sẽ bị xem là kẻ xâm lược trắng trợn. Giới quan sát cho rằng, đó là những gì sẽ xảy ra ở Syria nếu có một sự can thiệp quân sự đầy đủ. Việc bình định một đất nước với rất nhiều vũ khí, hệ thống quốc phòng khá tối tân, nhiều đường biên giới mở và đặc biệt là xung đột phe phái gay gắt, sẽ đòi hỏi một lực lượng lớn hơn so với 168.000 quân chiến đấu được triển khai tới Iraq ở đỉnh cao cuộc chiến của Mỹ.

Vì vậy, việc sử dụng “quyền lực cứng” ở Syria sẽ bị hạn chế ở những vụ không kích chớp nhoáng. Những cuộc tấn công như vậy sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của chế độ Assad và ngăn chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) nhưng có lẽ sẽ không thể “đánh nhanh thắng nhanh”. Ông Obama đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là giành được ủng hộ của Quốc hội để tấn công Syria. Trong ngày 3-9, Tổng thống Obama cử Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đến Đồi Capitol để tăng cường nỗ lực của Nhà Trắng.

Trong hai viện Quốc hội Mỹ, Thượng viện được xem là dễ dàng bị “mua chuộc” hơn, vì hiện do các nghị sĩ đảng Dân chủ của Tổng thống Obama điều hành và có một số lượng đáng kể nghị sĩ đảng Cộng hòa đang thúc ép triển khai hành động quân sự. Trong khi đó, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, có thể sẽ tiếp tục cản trở kế hoạch can thiệp quân sự ra nước ngoài của ông chủ Nhà Trắng, bất chấp việc ông Obama cảnh báo “chữ tín” của nước Mỹ đang bị lung lay.

Khả Anh