Cửa sổ hòa giải đóng dần
(Cadn.com.vn) - Dường như cánh cửa hòa giải đang thu hẹp dần sau khi xảy ra những đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động Hồng Kông hôm 5-10.
Ẩu đả giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động Hồng Kông nổ ra khi phong trào xuống đường đòi cải cách bầu cử bước vào tuần thứ hai. Theo BBC, ẩu đả xảy ra ở quận Mong Kok gần Trụ sở chính quyền, khi cảnh sát sử dụng bình xịt hơi cay chống biểu tình, theo lệnh “lập lại trật tự xã hội” của Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh.
“Chính quyền và cảnh sát có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện các hành động cần thiết để khôi phục lại trật tự xã hội để bộ máy chính quyền và 7 triệu người dân Hồng Kông trở lại làm việc bình thường”, AFP dẫn lời ông Lương tuyên bố trên truyền hình. Trong bài phát biểu, ông Lương chỉ trích mạnh mẽ bạo lực biểu tình đồng thời cảnh báo khả năng này tiếp tục xảy ra nếu “trật tự xã hội” chưa được lập lại.
Tối hậu thư của nhà lãnh đạo Hồng Kông được đưa ra sau khi nổ ra “cuộc chiến đường phố” dẫn đến việc trì hoãn đàm phán giữa chính quyền và những người biểu tình. Các lãnh đạo sinh viên quyết định hủy bỏ các đàm phán sau khi nổ ra ẩu đả dữ dội giữa người biểu tình và các băng đảng tội phạm thuộc Hội Tam Hoàng. Người biểu tình cáo buộc chính quyền làm ngơ cho Hội Tam Hoàng tấn công các trại dù họ chỉ biểu tình hòa bình.
Đụng độ biểu tình tiếp tục xảy ra trong ngày 5-10. Ảnh: IB Times |
Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cũng chỉ trích các nhân viên cảnh sát “chỉ đứng nhìn và không làm gì” để bảo vệ những người biểu tình trước làn sóng tấn công của các tội phạm. Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng an ninh Hồng Kông, ông Lai Tung-kwok kiên quyết phủ nhận cáo buộc. Cảnh sát Hồng Kông sau đó tuyên bố bắt giữ 19 người, trong đó có 8 kẻ bị tình nghi là thành viên các băng đảng tội phạm. Và tất cả đang bị điều tra.
Trong động thái hòa giải mới nhất, các lãnh đạo biểu tình tuyên bố sẽ mở các tuyến đường đến Trụ sở chính quyền để cho phép công chức trở lại làm việc. Tuy nhiên, người biểu tình vẫn kiên quyết kêu gọi Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh từ chức. Sáng 5-10, hàng ngàn người tổ chức biểu tình qua đêm, kéo đến bao vây trụ sở chính quyền. Nhưng giới phân tích cho rằng, làn sóng biểu tình sẽ giảm nhiệt khi đa số người dân, nhất là những người làm ăn buôn bán tại khu trung tâm Hồng Kông đang phản ứng dữ dội.
Trên thực tế, các cuộc biểu tình đã khiến Hồng Kông rơi vào bế tắc và khủng hoảng trong thời điểm được đánh giá là “kỳ mua sắm bận rộn” từ Trung Quốc đại lục. Đa số người dân muốn các cuộc biểu tình kết thúc hoặc di chuyển đến nơi khác để người lao động, trường học, công chức có thể trở lại hoạt động bình thường. “Tôi muốn ủng hộ các sinh viên. Nhưng tôi nghĩ, họ cần chấm dứt biểu tình vào lúc này”, Grant Yip, chủ một doanh nghiệp cho biết.
Biểu tình ở Hồng Kông có thể đang giảm nhiệt nhưng cũng đã kịp tạo ra thách thức to lớn cho nhà lãnh đạo Lương Chấn Anh. Từng là người được giới trẻ Hồng Kông ngưỡng mộ với câu chuyện từ nghèo khó đi đến thành công, nhưng giờ đây, ông Lương đang bị chính những người hâm mộ buộc từ chức. Nhiều người thậm chí từng nói đến khả năng Bắc Kinh buộc phải “hy sinh” ông Lương Chấn Anh để làm yên lòng người biểu tình.
Nhưng giới phân tích cho rằng, chính quyền Trung ương sẽ không làm vậy. Nếu có thỏa hiệp, Bắc Kinh có thể sẽ bàn đến việc trao cho Hồng Kông một “đặc ân” khác.
Khả Anh