Huyền thoại đặc công nước Quảng Đà (6)

Thứ hai, 28/12/2015 10:05

* Kỳ cuối: "Đội trưởng người nhái" giá 100 ngàn USD!

(Cadn.com.vn) - Sau khi thành lập và chỉ huy Đội 170 đánh hàng loạt trận vào các cứ điểm quan trọng của địch tại chiến trường Quảng Đà làm cho Mỹ, ngụy hết sức cay cú, Phạm Xuân Sanh đã bị Mỹ, ngụy đưa vào diện "đặc biệt nguy hiểm" cần tiêu diệt. Chúng đưa ra tuyên bố: "Ai bắt được Quách Sanh (biệt danh của Phạm Xuân Sanh - PV), Đội trưởng người nhái Bắc Việt sẽ được thưởng 100 ngàn USD!". Để đáp trả lời tuyên bố ấy, Phạm Xuân Sanh quyết định đánh cầu Giao Thủy giữa ban ngày "cho chúng biết mặt".

Đội trưởng Phạm Xuân Sanh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
trong dịp đi báo cáo điển hình toàn quân năm 1974.

Cầu Giao Thủy được xem là mạch máu giao thông quan trọng của địch nối Đại Lộc qua miền Tây Duy Xuyên, nơi có 2 sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đóng tại đây. Do vị trí cầu ở nơi xung yếu, tiếp giáp với vùng B Đại Lộc, là vùng giải phóng của ta nên chúng canh phòng rất cẩn mật. Tuy vậy, từ những năm 1966 đến 1971, Đội 3 đặc công nước (sau này là đội 170) đã 3 lần đánh sập cầu. Khi không thể sửa chữa được nữa, Mỹ phải bỏ hẳn cầu này làm cầu sắt mới cách cầu cũ chừng 100m về phía thượng nguồn.

Tại chiến trường Quảng Đà lúc này đang là chiến dịch Xuân Hè 1972, quân ta tiến công các căn cứ, chốt điểm của địch, đánh mạnh vào các cơ quan ngụy quyền, các tổ chức bình định... trên hầu hết các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang, cả nội thành Đà Nẵng và thu được nhiều thắng lợi. Hòa chung với khí thế đó, trong tháng 5-1972, Đội 170 do Phạm Xuân Sanh chỉ huy đã quyết định phân công các tổ tổ chức đánh cầu Thanh Quýt trên quốc lộ 1A và đánh sập cầu Giao Thủy trong cùng một đêm...

 Sau khi bị đánh sập lần thứ 3, xác định đây là mạch máu nối liền hai vùng chiến thuật của Tây Duy Xuyên và Đại Lộc nên chúng quyết định xây cầu mới, vững chắc hơn. Chúng điều đến 1 tiểu đoàn công binh ngụy, dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ khẩn trương xây dựng, hình thành một công trường làm cầu ngổn ngang các loại vật tư, xe tải, xe cẩu, xe chuyên dụng... Lính tráng đi lại xen lẫn với những nhóm lính công binh đang làm việc trên mặt cầu và cả hai bên đầu cầu rất nhộn nhịp. Trước tình thế đó, Đội trưởng Phạm Xuân Sanh nghĩ ra một kế hoạch hết sức táo bạo: "Cần phải đánh bồi một trận bất ngờ giữa lúc địch đang xây cầu!". Anh nhanh chóng họp phân đội, nói rõ ý định và động viên đồng đội suy nghĩ hiến kế. Có người cho rằng đánh giữa ban trưa khi bọn địch chui vào lều bạt nghỉ, ăn uống, không chú ý đề phòng. Có ý kiến lại bảo nên đánh lúc chập choạng tối. Ý kiến nào cũng có lý lẽ phân tích thuận lợi và khó khăn. Nhưng cuối cùng, phương án của đội trưởng đưa ra, cả phân đội đều tán thành và cho là tối ưu nhất là: Tranh thủ thời cơ lúc thời gian kết thúc đêm canh gác tuần tra bảo vệ cầu và chuẩn bị bắt đầu một ngày triển khai công tác làm cầu của bọn lính công binh. Thời gian này khoảng 1 giờ đồng hồ từ hơn 5 giờ đến 7 giờ sáng.

Kế hoạch đưa ra là tổ chiến đấu có thể xuất phát từ 5 giờ sáng, tiếp cận mục tiêu đặt khối nổ, điểm hỏa rồi rút khỏi mục tiêu khoảng 6 giờ sáng, lúc trời chưa sáng tỏ. Đặt kíp hẹn giờ nổ 2 tiếng, như vậy khối nổ sẽ phát hỏa lúc 8 giờ, đúng lúc địch đang tập trung làm việc. Phân đội tán đồng và trở thành nghị quyết thực hiện. Ai nấy đều tin tưởng phương án "táo bạo và bất ngờ" này sẽ là yếu tố làm nên chiến thắng. Đội trưởng Sanh họp toàn phân đội phân công nhiệm vụ. Để gọn nhẹ, cơ động tốt, tổ chiến đấu chỉ cần 2 người nhưng cả phân đội đều xung phong. Đội trưởng Sanh hoan nghênh tinh thần tự nguyện của mọi người nhưng trận này chỉ cần 2 đồng chí, ai chưa được đi lần này thì sẵn sàng nhận nhiệm vụ những trận tiếp theo. Trận này 2 đồng chí Hồ Phi Thiện và Giang Hồng Mão trực tiếp tham gia. Mang theo khối nổ 40kg C4 và một quả mìn rùa (nam châm), 2 chiến sỹ xuất phát từ địa điểm cách cầu khoảng 1,5km, tính toán lưu tốc nước, thời gian tiếp cận mục tiêu...

Thiện và Mão rất tự tin vì mục tiêu không có vật cản rào thép gai, chỉ cần đảm bảo kỹ thuật hành tiến bí mật tiếp cận mục tiêu, đảm bảo thời gian là chắc thắng. Lúc 5 giờ 45 phút ngày 19-5-1972, tổ chiến đấu đã vào mục tiêu nhận chìm khối nổ áp vào trụ cầu, điểm hỏa rồi rút khỏi mục tiêu lúc 6 giờ kém 5, khi trời chưa sáng tỏ.

7 giờ 15 phút, tiếng nổ ầm vang làm trụ cầu gãy đổ, văng cả 2 nhịp cùng 32 tên lính công binh và một số máy móc xuống sông. Lúc này, người dân đã đi làm trên cánh đồng Quảng Huế phía Đại Lộc và rất nhiều bà con đi làm, đi chợ Mỹ Lược bên phía Duy Xuyên đã kéo về phía cầu với tinh thần hết sức hồ hởi, phấn khởi. Họ bàn tán, kháo nhau: "Bọn địch cứ rêu rao Việt Cộng chỉ là thổ phỉ ở trên núi, đói khát, bệnh tật, gầy ốm đến nỗi 7 Việt Cộng đeo không gãy một cọng đu đủ, làm sao thắng được quốc gia, rứa mà hàng trăm tên Mỹ, ngụy bị Việt Cộng đánh chết nhăn răng, chìm dưới sông làm mồi cho cá, lũ còn sống sót sợ mất mật như gà sợ quạ. Hết đời quân khoác lác, huênh hoang!".

Sau trận đánh, Mỹ, ngụy vốn cay cú với cách đánh "xuất quỷ nhập thần" của đặc công nước, nay nhận thêm một cú trời giáng nữa nên lại càng cay cú hơn. Chúng lồng lộn như con thú điên, tổ chức lùng sục, kiểm soát gắt gao hơn hòng tìm cho ra "Đội trưởng người nhái Bắc Việt" Quách Sanh, tuy nhiên mọi nỗ lực, kể cả dùng rất nhiều tiền để mua tin về người đội trưởng và chiến sỹ của ông nhưng vẫn không thu được kết quả. Thay vào đó, kết cục chúng nhận được lại là hàng chục trận đánh của đặc công nước vào "yếu huyệt" và chịu tổn thất nặng nề...

Đội 170 Đặc công nước gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng.

Vĩ thanh

 Với nhiều chiến công đánh Mỹ vang dội, lực lượng đặc công nước Quảng Đà được tặng thưởng hàng chục Huân chương Quân công, Huân chương Giải phóng hạng Nhất đến hạng Ba; 45 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng từ hạng Nhất đến hạng Ba, 60 cá nhân đạt danh hiệu Dũng sỹ đánh giao thông. Đặc biệt, trong chiến tranh chống Mỹ, có 2 đồng chí là Giang Hồng Mão (cán bộ phân đội 1) và Phạm Xuân Sanh (cán bộ Đội 3, Đội trưởng Đội 170) đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn miền Nam và được báo cáo điển hình trong toàn quân vào năm 1974. Đó là chưa kể đến thành tích của Tiểu đoàn 471 đặc công nước (có mặt tại chiến trường Quảng Đà từ tháng 2-1971 đến tháng 4-1975) cũng ghi dấu những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Sinh thời, đồng chí Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) đã dành sự ưu ái đặc biệt cho lực lượng đặc công, nhất là lực lượng đặc công nước và biệt động thành Đà Nẵng. Trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo cao nhất thành phố, ông đã đưa ra chủ trương, quán triệt và tổ chức thực hiện việc gặp mặt các lực lượng này 2 năm một lần. Đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự tri ân, trân trọng của thành phố đối với những chiến công, đóng góp, hy sinh lớn lao của lực lượng đặc công nước và biệt động thành trong quá khứ...

Doãn Hùng