Lửa nghề sưởi ấm con chữ vùng biên
(Cadn.com.vn) - Đã nghe nhiều về những nỗi nhọc nhằn của giáo viên cắm bản huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), nhưng đến khi vào nóc Tak Ngo, Măng Rẽ..., chúng tôi mới thấu hiểu hết được cuộc sống khó khăn của giáo viên nơi đây. Sống trong điều kiện vật chất vô cùng khó khăn nhưng ngọn lửa yêu nghề vẫn không hề vơi đi trong họ. Dẫu cuộc sống đời thường còn nhiều gian khó nhưng trong tâm hồn họ vẫn vẹn nguyên tấm lòng yêu trẻ, nặng lòng với sự nghiệp giáo dục vùng khó.
Thầy giáo Lê Hồng Thứ ân cần hướng dẫn từng học sinh học bài. |
Vượt qua gian khổ, hiểm nguy
Để vào được điểm trường Tăk Ngo – điểm trường xa nhất của Trường mẫu giáo và tiểu học Ngọc Linh (xã Trà Linh, H. Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nằm trên dãy núi Ngọc Linh nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum), chúng tôi phải mất nửa ngày đi bộ vượt núi xuyên qua cánh rừng già, vật lộn với những con đường chênh vênh giữa một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Nói vậy để thấy ngoài điều kiện cuộc sống không chỉ thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, người giáo viên nơi đây còn đối diện với bao gian khó, hiểm nguy khác. Ấy vậy mà tình cảm của những người giáo viên dành cho học sinh, với sự nghiệp giáo dục vẫn luôn đong đầy.
Đặt chân đến điểm trường thôn Tak Ngo, hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi bắt gặp là lớp học mẫu giáo tuềnh toàng được dựng trên nền đất, đá lổm nhổm, xung quanh được thưng bằng những tấm ván tạm bợ. Vào thăm lớp học mẫu giáo của cô giáo Trần Nữ Diễm Hằng, nhìn những đứa trẻ dân tộc Xơ Đăng từ 3 đến 5 tuổi, mặt mũi nhem nhuốc, nước mũi thò lò, đôi chân đen nhẻm không dép, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Lớp học chỉ có vài chiếc ghế cùng chiếc bảng nhỏ, vài ba bức tranh do chính tay cô giáo làm nằm im lìm trên tấm ván tường. Thấy người lạ, các em ngơ ngác nhìn, nép vào vai nhau, có trẻ khóc òa lên chạy về phía cô giáo.
Cô Hằng vừa được phân công vào dạy điểm trường từ đầu năm học này thay cho cô giáo Trần Kim Ngọc nghỉ theo chế độ thai sản. Là giáo viên nữ nên cô Hằng được nhà trường ưu tiên vào ở căn phòng dựng bằng gỗ, lợp tôn ngay điểm trường. Nguồn nước sinh hoạt và điện chiếu sáng cô sử dụng đều nhờ ké nhà dân. Lặn lội vào đây dạy học nhưng cô mang thân phận của một giáo viên dạy hợp đồng. Mỗi tháng cô nhận được số tiền 2,1 triệu đồng, vừa đủ chi tiêu cuộc sống hằng ngày, nhưng cô luôn cảm thấy vui. Cô vui bởi vì được làm công việc yêu thích của mình. “Bao lần gia đình gọi điện lên bảo em về kiếm một công việc gì đó, dù là trái với ngành nghề ở quê hay gần nhà cũng được. Nhưng với em, một khi đã chọn nghề giáo thì em sẽ quyết tâm theo nghề đến cùng. Cho nên, dù dạy học ở đây hay ở đâu khó khăn ngàn trùng đi chăng nữa em vẫn vững tâm đứng lớp”, cô Hằng chia sẻ.
Lớp học của cô giáo Hằng. |
Khát khao được cống hiến và khẳng định mình
Nhìn 2 lớp học dành cho trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 nằm lọt thỏm, chênh vênh bên sườn núi cũng nhỏ bé, đơn sơ như những ngôi nhà nghèo khổ của bà con dân tộc Xơ Đăng nơi đây, cũng đủ để thấy sự học nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thầy Lê Hồng Thứ - giáo viên tiểu học phụ trách điểm trường cho biết: Hôm nay lớp học chỉ có 13 em đến lớp, vắng 2 vì ốm mấy ngày qua chưa thể trở lại trường. Nhà nào có người ốm, bà con đều phải làm lễ cúng. Lễ cúng không chỉ tổ chức khi bị ốm đau, mà còn diễn ra sau khi người ốm lành bệnh.
Học sinh sau khi lành bệnh phải được gia đình cho phép mới trở lại trường học tập. Chính vì những hủ tục đó mà người giáo viên dạy học ở đây ngoài việc chăm lo công tác chuyên môn, chăm chút dạy bảo học sinh, còn phải sống gần gũi, gắn bó mật thiết với dân, vừa thực hiện vận động đưa học sinh trở lại trường vừa là cây tuyên truyền viên tích cực trong cuộc chiến với đói nghèo, lạc hậu để xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con dân bản.
Khác với nhiều giáo viên từ đồng bằng lên miền núi công tác, hơn 20 năm giảng dạy tại Trường mẫu giáo và tiểu học Ngọc Linh, thầy giáo Lê Hồng Thứ tự mình dựng một căn nhà ngay giữa rừng núi để ở. Căn nhà nhỏ được thưng bằng gỗ, lợp tôn không chỉ trở thành mái ấm của riêng thầy, mà còn là nơi lui tới học bài của lũ trẻ Xơ Đăng hiếu học. Nói về lý do việc tự mình dựng nhà ngay gần điểm trường để ở, thầy Thứ tâm sự: “Muốn bà con dân bản tin tưởng cho con đến trường theo học cái chữ thì trước tiên người giáo viên phải có được niềm tin, sự quý mến của bà con. Việc dựng nhà sống ngay trong lòng thôn, bản cũng chỉ vì muốn sống hòa nhập, gần gũi với người dân, học sinh, vừa có điều kiện tìm hiểu phong tục, nếp sống người dân, vừa tiện cho việc vận động, theo dõi tình hình học tập của học trò”.
Cứ đều đặn hằng tuần, những người giáo viên nơi đây phải vượt hàng chục cây số đèo dốc lầy lội, hiểm trở đến lớp, có khi thầy trò bị kẹt nơi điểm trường heo hút vì núi lở chia cắt. Tuy nhiên, bằng tình thương yêu học trò, nhiệt huyết của tuổi trẻ và cả khát vọng được cống hiến, những thế hệ giáo viên nơi đây vẫn âm thầm vượt qua gian khổ, hiểm nguy “bám trường, bám lớp”, gieo chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số giữa miền rừng núi sâu thẳm. Lớp lớp từng thế hệ giáo viên mang sức trẻ, trí tuệ tuổi hai mươi đến với núi rừng, khát khao được cống hiến, được thể hiện năng lực bản thân. Thử hỏi, có tình yêu nào đẹp như tình yêu nghề giáo, tình yêu đối với thế hệ trẻ đất nước hôm nay!
Khải Minh