Belarus bắt đầu tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ Nga
Theo Reuters, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga Rossiya-1, Tổng thống Lukashenko tuyên bố đã bắt đầu nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga. "Chúng tôi có tên lửa và bom nhận được từ phía Nga. Những quả bom này mạnh gấp 3 lần so với những quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki Nhật Bản", ông Lukashenko nói. Trước đó, hôm 13-6, Tổng thống Belarus thông báo vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai trên lãnh thổ Belarus chỉ "trong vài ngày nữa", sớm hơn so với dự kiến ban đầu là triển khai vào ngày 7 và 8-7-2023.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố theo yêu cầu của Minsk, Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Tổng thống Putin đã đề cập đến thỏa thuận chia sẻ vũ khí hạt nhân trong cuộc gặp với người đồng cấp Lukashenko hồi đầu tháng này. Ông nói rằng việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng trên đất Belarus đã đi đến giai đoạn cuối và sẽ hoàn tất vào khoảng ngày 7, 8-7, chậm một tuần so với dự kiến ban đầu. Sau đó, Nga sẽ bắt đầu ngay lập tức các hoạt động liên quan đến việc triển khai các loại vũ khí thích hợp trên lãnh thổ Belarus.
Sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công
Hôm 13-6, Tổng thống Lukashenko khẳng định lý do duy nhất để sử dụng vũ khí hạt nhân là khi Belarus bị tấn công. "Tôi sẽ không do dự, nếu có hành động gây hấn chống lại chúng tôi", ông nói.
Theo hãng tin RT, Tổng thống Lukashenko cũng cho biết ông đã yêu cầu Nga cất giữ một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này tại Belarus như một biện pháp răn đe. "Đó là yêu cầu của tôi. Nga không áp đặt điều đó. Không ai gây chiến với một quốc gia hạt nhân và tôi không muốn bất kỳ ai gây chiến với chúng tôi. Có mối đe dọa như vậy không? Có. Tôi phải chống lại mối đe dọa đó", ông Lukashenko nhấn mạnh.
Minsk đã cáo buộc các thành viên trong liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có chung đường biên giới với Belarus - đặc biệt là Ba Lan - triển khai lượng lớn binh sĩ tại các vị trí có thể cho thấy dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Ông cũng cáo buộc Ukraine dàn dựng một số hành động khiêu khích gần biên giới Belarus.
Mỹ và đồng minh quan ngại
Hãng tin Reuters cho biết, động thái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus đang được theo dõi chặt chẽ bởi cả Mỹ cùng các đồng minh NATO ở châu Âu và Trung Quốc - quốc gia đã nhiều lần cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột.
Khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus hồi tháng 3, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên án thỏa thuận, nói động thái khiến căng thẳng khu vực leo thang nguy hiểm. Washington mô tả kế hoạch của Moscow là "khiêu khích, vô trách nhiệm" nhưng cho biết Mỹ chưa có lý do nào để điều chỉnh chính sách hạt nhân của mình. Moscow khẳng định động thái này "không có gì bất thường" và Washington đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ, đề cập việc Mỹ bố trí nhiều vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh tại châu Âu. Nga cũng nhấn mạnh nước này vẫn giữ quyền kiểm soát vũ khí, không giao lại cho Belarus.
Theo Bloomberg, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda mới đây cho biết NATO phải đáp trả việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus. "Tôi hoàn toàn tin rằng tình huống như vậy đòi hỏi NATO phải có phản ứng dứt khoát", ông Duda nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Paris.
AN BÌNH
Dòng sự kiện:Cuộc xung đột Nga-Ukraine
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
Loại mìn Mỹ gửi cho Ukraine: Nguy hiểm đến mức 150 nước cấm dùng
Sau ATACMS, Ukraine dùng Storm Shadow tấn công lãnh thổ Nga
Nga phản ứng về vụ Ukraine tấn công bằng tên lửa ATACMS
Ông Putin cảnh báo đanh thép về khả năng Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa