Bão quét làng góa phụ

Thứ sáu, 18/10/2013 10:29

(Cadn.com.vn) - Bão là nỗi khiếp đảm của mọi nhà, nhưng đối với đa số hộ gia đình ở "làng Chanchu" hay gọi là "làng không chồng" (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, H. Thăng Bình, Quảng Nam) thì không chỉ có sợ hãi. Từng hứng chịu đau thương tột cùng trong bão Chanchu khiến 30 nam giới trong thôn mãi mãi nằm lại biển cả, nên bão số 11  ập đến, không có đàn ông trong gia đình, những phụ nữ, những đứa trẻ phải tự  mình chống chọi...

Người trong bão lo người trên biển

Vừa tới đầu thôn Bình Tịnh, hình ảnh nhà cửa bị tốc mái, cây cối ngã đổ, xơ xác, hoang tàn và gương mặt bơ phờ của những phụ nữ góa bụa khiến không gian ảm đạm đến nao lòng. "Hơn 20 phụ nữ góa bụa trong một thôn nhỏ, nhìn đâu cũng thấy phụ nữ chân yếu tay mềm, biết nhờ vả ai", một người dân thở dài nói.

Có chồng, nhưng chồng làm nghề trên biển nên nhà của chị Trần Thị Mỹ Hạnh (24 tuổi) bị bão giật gần như sập đổ hoàn toàn. Chị Hạnh ôm đứa con nhỏ 1 tuổi kể trong nước mắt: "Chồng tui là Hồ Tấn Dự (25 tuổi) đi biển khơi câu mực 3 tháng nay chưa về. Sau khi nhận tin bão số 11, anh liên tục điện thúc giục tui đóng cửa nhà lại và qua nhà nội trú nấp, sau bão hãy về. Nghe lời chồng, tui ôm con nhỏ bỏ hết của cải trong nhà đi tránh bão. Bão tan, tôi ôm con về lại nhà, nhìn cảnh ngôi nhà tôn bị bay hết nửa. Kinh hoàng hơn cây bạch đàn to hơn người ôm ngã đè lên ngôi nhà khiến nó có thể sập bất cứ lúc nào. Nhà sập làm lại được, nhưng từ hôm qua đến giờ bụng tui sôi như cồn vì lo cho anh Dự. Từ khi bão tan đến giờ ảnh chưa điện về nhà, không biết giờ này ảnh đang ở đâu. Cầu mong anh bình an trở về, chứ đừng để mẹ con tui giống như những chị em phụ nữ góa phụ, con côi như cơn bão Chanchu ở vùng đất này...", giọng chị Hạnh chùng xuống.


Nhà chị Trần Thị Mỹ Hạnh sau bão.

Chui hầm trốn bão

Cách nhà chị Hạnh vài ngôi nhà, bà Võ Thị Hoa (1937, trú tổ 4) cặm cụi mót những thứ còn sót lại đem phơi. Một mình trong căn nhà nhỏ bé, khi cơn bão sắp ập đến, biết ngôi nhà mình không chọi được với bão dữ nên bà Hoa vội chạy sang nhà ông Tô Văn Tâm (hàng xóm) để nương nhờ qua cơn bão. Nhưng nhà ông Tâm cũng không vững chắc, sợ có chuyện không hay xảy ra, ông Tâm lại đưa bà Hoa chui vào chiếc thúng rái đậy lại để trú bão. Bão tan, bà Hoa trở về thì tôn nhà bay gần một nửa. Cảnh hoang tàn, đổ nát của những vật dụng trong gia đình vương vãi khắp nơi.

Bà Hoa nghẹn ngào: "Tháng 5-2006, cơn bão Chanchu đã cướp mất con tôi là Nguyễn Hồng Nên. 3 tháng sau, chồng tôi đau buồn lâm bệnh rồi qua đời. Tôi tưởng đó là cơn bão mạnh nhất mà tôi chứng kiến, nhưng không ngờ hôm qua (15-10), cơn bão số 11 ni cũng không kém khốc liệt". Trong số những vật dụng còn sót lại, bà Hoa mang lá cờ Tổ quốc bị ướt đem ra hong nắng cho khô trước tiên. Thấy tôi chăm chú nhìn lá cờ sờn bạc, bà Hoa nói: "Chiến tranh hay nghèo đói, ngày tết hay lễ tôi đều giữ  gìn cờ hay đem cờ ra treo. Bởi tinh thần cách mạng của gia đình từ xưa đến giờ vẫn không thay đổi".

Bà Võ Thị Hoa trở về nhặt nhạnh những gì còn sót lại.

Là những nạn nhân chịu thiệt hại nằng nề nhất của bão "Chanchu", giờ lại đối mặt với "Nari", người dân thôn Bình Tịnh cảm nhận hết được sự mất mát, đau thương. Trong những người chúng tôi gặp, cám cảnh và đau xót nhất có lẽ là trường hợp của em Lại Hoàng Quang Sang (14 tuổi), con của anh Lại Xuân. Anh Xuân mất trong cơn bão Chanchu để lại hai con nhỏ và người vợ trẻ Hoàng Thị Tịnh (33 tuổi). Năm 2012, đau thương tiếp tục ập đến với gia định chị Tịnh khi đứa con trai út cũng bỏ mẹ và anh trai về với bố do căn bệnh hiểm nghèo. "Sau khi bố mất, do không có công ăn việc làm ổn định để nuôi em ăn học, cách đây hơn một tháng, mẹ Tịnh vào Đắc Lắc hái cà-phê thuê. Chỉ còn mình em ở nhà, hằng đêm có bà nội xuống ngủ với em. Tối 14-10, em và bà nội dắt nhau ra hầm tránh bão sau nhà nấp", em Sang kể.

Kể từ khi cơn bão cướp mất người chồng, sợ hãi, chị Tịnh xây căn hầm nhỏ phía sau nhà để mẹ con trú ẩn mỗi khi có bão. Dẫn chúng tôi ra căn hầm tránh bão, chúng tôi không khỏi xót xa. Căn hầm có bề ngang chưa được 1,2m, dài 2m, xây bằng gạch nhưng chưa tô, thấp lè tè, phía trên được lợp bằng vài tấm pibroximăng... Đây là nơi vào đêm 14 và ngày 15-10 khi cơn bão số 11 độ bổ, Sang và bà nội đã nấp ở đây với cây đèn cầy, vài gói mì tôm lót dạ... "Khi bão vào gió rất mạnh, sợ tấm cửa phên tre bay đi nên hai bà cháu ngồi dùng tay níu giữ cả đêm không ngủ được, phần lo sợ hầm sập...", Sang kể.

Em Lại Hoàng Quang Sang và căn hầm "cưu mang" mình trong cơn bão số 11.

Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Bình Minh Trần Công Minh, ông cho biết: "Do là thôn "đặc biệt" nên những lúc mưa gió hay bão lũ, UBND quan tâm chỉ đạo lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân đến từng nhà giúp chị em chằng chống nhà cửa, di chuyển đến nơi an toàn. Sau bão, triển khai ngay việc khắc phục hậu quả, như lợp lại tôn, sửa cửa cho an toàn mới đưa chị em, con cháu về lại nhà. Tuy vậy,  bão số 11 cũng làm 83 ngôi nhà ở thôn Bình Tịnh tốc mái, hàng ngàn cây cối ngã đổ. Có lẽ, với thiệt hại này, nhiều gia đình sẽ rất khó khăn"...

Có lẽ, người chủ tịch xã rất muốn nói "làng Chanchu" một lần nữa đang cần vòng tay cộng đồng,...  nhưng ông ngập ngừng, rồi bỏ lửng, vội vã bước về hướng nhà một góa phụ đang được người dân hối hả sửa chữa để kịp che chắn những cơn mưa thường đến sau bão...

Trần Tân