Năm 2020, thế giới chưa có phút giây nào ngơi nghỉ trong việc ứng phó với SARS-CoV-2, chủng virus Corona mới gây ra đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã “tấn công” mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, biến 2020 thành năm khó khăn, thử thách chưa từng có đối với cộng đồng quốc tế. Đại dịch không chỉ đẩy hệ thống y tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng mà còn kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước.
 |
Bên trong khoa điều trị tích cực tại một bệnh viện của Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 2-2020. Ảnh: China Daily |
Sắp chạm mốc 100 triệu ca mắc
Ngày 31-12-2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã được cảnh báo về một nhóm các trường hợp viêm phổi “không rõ nguyên nhân” ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Một tuần sau đó, loại virus Corona (nay gọi là SARS-CoV-2) mới được xác định. Ngày 11-1- 2020, Trung Quốc xác nhận cái chết đầu tiên do Covid-19 ở Vũ Hán.
Kể từ đó, dịch Covid-19 nhanh chóng lan sang một số nước Châu Âu như Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Anh vào tháng 3-2020. Sau đó, tâm dịch chuyển sang Ấn Độ, Iran ở Châu Á, rồi đến Mỹ, Brazil ở Châu Mỹ. Từ cuối tháng 3 đến nay, Mỹ liên tục giữ vị trí đầu tiên trong “bảng xếp hạng” Covid-19 cả về số ca mắc và ca tử vong. “Bão” Covid-19 đến nay đã quét qua tất cả các châu lục, đặc biệt là Châu Âu và Châu Mỹ. Mới đây nhất, đại dịch lan tới tận Nam Cực.
Tính đến ngày 25-1-2021, tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay trên toàn thế giới đã gần chạm mốc 100 triệu ca, trong đó trên 2,13 triệu ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tới nay, quốc gia này có trên 25,6 triệu ca mắc và trên 429.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 10,6 triệu ca mắc và trên 153.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới với trên 8,8 triệu ca mắc và trên 217.000 ca tử vong. Với đà tăng này, không lâu nữa, thế giới sẽ chạm mốc 100 triệu ca mắc.
Thế giới nghèo đi vì Covid-19
Đầu năm 2020, giới chuyên gia từng lạc quan đưa ra dự báo về những gam màu sáng trong bức tranh triển vọng kinh tế thế giới. Nhưng tất cả đã thay đổi khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Đại dịch Covid-19 tạo nên cơn lốc mang tên “khủng hoảng và suy thoái”, quét sạch những dự báo tăng trưởng kinh tế mà giới phân tích từng kỳ vọng vào năm 2020. Sức tàn phá ghê gớm của dịch Covid-19 giáng “đòn chí mạng” vào nền kinh tế thế giới. Đại dịch trở thành “sát thủ vô hình” đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong giai đoạn phục hồi mong manh sa lầy vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế-xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí... kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới bỗng chốc “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD, kéo theo không ít thành quả gây dựng trong nhiều năm qua bị tiêu tan.
Khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh Covid-19 gây ra phần lớn là do sự suy giảm nhu cầu, khi không có nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa và dịch vụ. Sự suy giảm này thể hiện rõ ở một số ngành và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, như vận tải và du lịch. Các ngành công nghiệp khác cũng chịu sự tác động tương tự, như sự suy giảm nhu cầu dầu mỏ và sản xuất ô-tô. Do các công ty phải cắt giảm nhân sự để bù đắp cho khoản doanh thu bị sụt giảm nên sẽ tạo ra một vòng xoáy suy giảm kinh tế, khi những người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có khả năng tài chính để duy trì cuộc sống, thậm chí có khả năng rớt xuống dưới chuẩn nghèo.
Bất chấp chính sách nới lỏng chưa từng có tiền lệ được tung ra để cứu kinh tế, ngay từ đầu năm, hàng loạt dự báo u ám về triển vọng toàn cầu trước cú sốc Covid-19 đã xuất hiện. Lo ngại này đã trở thành sự thật. Việc phải đóng cửa nền kinh tế để ngăn đại dịch lây lan đã đẩy hàng chục quốc gia vào suy thoái trong năm nay, như Đức, Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Australia, Ấn Độ... Mức giảm GDP hai con số thậm chí trở nên phổ biến.
Viễn cảnh
Trang CNBC gần đây có bài viết nhận định Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào hố sâu suy thoái và vẫn chưa rõ khi nào sẽ phục hồi hoàn toàn. Không lâu trước đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự đoán thận trọng cho rằng, kinh tế toàn cầu đã bắt đầu phục hồi, song quá trình này có thể sẽ kéo dài, tốc độ không đồng đều và không chắc chắn.
Hiện tại, thế giới đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới và dự tính khả năng phong tỏa mới, nhiều nhà kinh tế cho rằng tình hình sẽ tồi tệ thêm trước khi trở nên tốt hơn. Những ổ dịch mới bùng phát tại một số quốc gia trước đó đã kiểm soát khá tốt dịch Covid-19, cùng sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh và đến nay đã được phát hiện ở một loạt nước khác đều là những dấu hiệu cho thấy một tương lai không chắc chắn mà các quốc gia sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Thêm nữa, những khó khăn như GDP suy giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ chính phủ tăng vọt... được cho là sẽ tiếp tục gây cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Nhiều người vẫn trông chờ vaccine sẽ là “vũ khí tối thượng” chống lại virus SARSCoV-2, nhưng việc có thực sự kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vào năm 2021 hay không vẫn là câu hỏi chưa lời giải, khi thế giới vẫn mờ mịt với những điều không thể chắc chắn, như tỷ lệ người được tiếp cận vaccine, sự bảo vệ từ kháng thể sẽ duy trì trong bao lâu và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. Tuy vậy, những tiến bộ về vaccine ngừa Covid-19 vẫn mang đến những tia hy vọng cho nền kinh tế thế giới. Những số liệu thống kê và các đánh giá mới nhất của giới chuyên gia cũng cho thấy kinh tế toàn cầu nói chung, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói riêng đã và đang xuất hiện những điểm sáng tích cực.
AN BÌNH