Tổng thống Jacob Zuma phải đối diện với nhiều sức ép buộc ông từ chức do bị cáo buộc tham nhũng và năng lực điều hành yếu kém.

|
Tổng thống Zuma rời khỏi văn phòng làm việc hôm 7-2. Ảnh: Reuters |
Nam Phi đang đứng trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền ngày 7-2 quyết định hủy bỏ một cuộc họp về việc phế truất Tổng thống Jacob Zuma.
Theo Reuters, ANC lên kế hoạch tổ chức cuộc họp khẩn cấp này vào tối 7-2 nhưng đã hoãn lại sau các cuộc đàm phán “xây dựng” giữa Tổng thống Zuma và Phó Tổng thống Cyril Ramaphosa – nhân vật hiện đang nắm chiếc ghế Chủ tịch ANC.
Thỏa thuận ngầm
Tổng thống Zuma, 75 tuổi, hiện phải đối diện với nhiều sức ép buộc ông từ chức do bị cáo buộc tham nhũng và năng lực điều hành yếu kém. Tháng 12-2017, ông Zuma bị cho thôi chức Chủ tịch ANC và người thay thế là Phó Tổng thống Ramaphosa.
Mọi việc diễn ra sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết khẳng định, Tổng thống Zuma đã vi phạm quy định khi từ chối trả lại tiền cho Nhà nước và yêu cầu Quốc hội chuẩn bị các thủ tục pháp lý hướng tới việc phế truất ông. Năm 2014, cơ quan chống tham nhũng Nam Phi đã khuyến cáo ông Zuma trả lại công quỹ 15 triệu USD mà ông dùng để sửa chữa nhà riêng ở tỉnh KwaZulu-Natal.
Giờ đây, giới phân tích cho rằng, Tổng thống Zuma đang chịu sức ép từ chức rất lớn từ Phó Tổng thống Ramaphosa. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông địa phương cho rằng, ông Zuma đang nắm giữ một hợp đồng ra đi rất thuận lợi. Động thái mới nhất trong ngày 7-2 càng làm gia tăng những đồn đoán rằng, một thỏa thuận để ông Zuma từ chức đã được giải quyết. Times Live, một dịch vụ tin tức trực tuyến, dẫn lời các nguồn tin cho biết, Tổng thống Zuma sẽ từ chức ngay khi một danh sách các điều kiện tiên quyết được hoàn thiện.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nam Phi Baleka Mbeta đã nói với đài truyền hình eNCA rằng, ông Ramaphosa sẽ sớm có thông báo về bất ổn chính trị hiện nay, trong đó chủ yếu là số phận của Tổng thống Zuma. Bà nói: “Sự thật là có những cuộc thảo luận giữa hai vị tổng thống và phó tổng thống. Cả hai đã có các cuộc hội đàm tại Cape Town về tương lai của tổng thống được mô tả là “mang tính xây dựng”. Người phát ngôn của Tổng thống Zuma từ chối bình luận về những tuyên bố này.
Ra đi hay ở lại?
Tuy nhiên, Tổng thống Zuma và Phó Tổng thống Ramaphosa đã không gặp nhau theo kế hoạch vào ngày 7-2 sau khi Quốc hội quyết định tạm hoãn buổi lễ đọc Thông điệp quốc gia đầu năm của ông Zuma được dự kiến diễn ra vào ngày 8-2 tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nam Phi, quyết định trên được đưa ra sau khi tham khảo và tổng hợp nhiều ý kiến từ các chính trị gia hàng đầu cũng như từ đông đảo người dân Nam Phi. Bà cho biết thêm, chính Chủ tịch đảng ANC Ramaphosa đã viết thư gửi Quốc hội, yêu cầu hoãn lễ công bố Thông điệp quốc gia. Ngoài ra, các đảng đối lập cũng liên tục yêu cầu lùi thời gian đương kim Tổng thống Zuma đọc Thông điệp quốc gia ít nhất tới sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông này dự kiến tổ chức vào ngày 22-2 tới. Các đảng đối lập Nam Phi trước đó đã cảnh báo Quốc hội, nếu Tổng thống Zuma vẫn thực hiện việc đọc Thông điệp Quốc gia đầu năm thì họ sẽ kiện lên tòa án và hành động này có thể dẫn đến khủng hoảng hiến pháp tại nước này.
Giới truyền thông địa phương nhận định nhiều khả năng Tổng thống Zuma sẽ không chấp nhận từ chức nếu ông không được phép hoàn thành việc đọc Thông điệp Quốc gia. Hiện tại, nhà lãnh đạo này cũng không nói liệu ông có từ chức hay không khi nhiệm kỳ của ông kéo dài đến năm 2019. Đó là cái khó cho ANC. Đảng này đã phải đối mặt với những rắc rối trong cơ cấu quyền lực sau khi ông Ramaphosa nắm quyền kiểm soát đảng trong khi ông Zuma vẫn là người đứng đầu nhà nước.
KHẢ ANH