(Cadn.com.vn) - Ngày 2-7, Hội nghị Diễn đàn Khu vực Châu Á (ARF) khai mạc tại thủ đô của Brunei, tập trung vào các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
Theo Tân Hoa Xã, hội nghị diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ủng hộ việc các nước Đông Nam Á kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán chính thức về tranh chấp ở biển Đông, trong bình luận rõ ràng nhằm vào Bắc Kinh. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang chịu sức ép liên quan tới những tuyên bố chủ quyền quá vô lý ở biển Đông. Ngoài ra, nội dung thảo luận của hội nghị thường niên lần này còn tập trung vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nhật Bản cũng đề nghị hối thúc Bình Nhưỡng giải quyết những quan ngại nhân đạo liên quan tới công dân Nhật bị bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Triều Tiên Pak Ui-chun kêu gọi Mỹ tổ chức đàm phán trực tiếp "mà không cần điều kiện tiên quyết", bỏ qua lời kêu gọi của Seoul và Washington muốn Bình Nhưỡng thể hiện sự chân thành trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trước khi các cuộc đàm phán như vậy diễn ra.
 |
Các ngoại trưởng tham gia Hội nghị ARF hôm 2-7 tại Brunei. Ảnh: THX |
TRUNG QUỐC- NÓI CÓ ĐI ĐÔI VỚI LÀM?
Nhờ vào sự đồng thuận lớn lao của các quốc gia ASEAN, Trung Quốc đồng ý khởi động “các cuộc tham vấn” chính thức về Bộ quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông (COC) với các nước láng giềng Đông Nam Á vào tháng 9 tới, để giảm bớt căng thẳng trong khu vực này.
Sự nhượng bộ lần này của Trung Quốc cũng hoàn toàn bất ngờ. Trước đó, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này khẳng định chỉ muốn giải quyết song phương các tranh chấp ở biển Đông. Và theo giới chuyên gia, chính những vấn đề trong nước cũng như áp lực trước chính sách “xoay trục Châu Á” của Mỹ khiến các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đi đến quyết định trên.
Biển Đông hiện đang là điểm nóng mới của Châu Á, bắt nguồn từ những tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” vô lý của Trung Quốc, vốn bị cộng đồng quốc tế phản đối kịch liệt. Vì vậy, động thái tích cực lần này của Bắc Kinh thực sự trở thành bước tiến quan trọng trong tranh chấp kéo dài ở khu vực này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, động thái này khó có thể làm nguội điểm nóng này một cách nhanh chóng.
Bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, Giám đốc vùng Đông Bắc Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng, đây là một “phát triển tích cực” và COC là biện pháp khẩn cấp cần thiết khi Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết đoán và ngang ngược hơn ở biển Đông. “Điều này cho thấy, Bắc Kinh vẫn cho rằng, các mối quan hệ với các nước Đông Nam Á vẫn là một ưu tiên chính sách đối ngoại”, bà Stephanie nói. Nhưng cũng theo nữ chuyên gia này, đây chỉ là bước đầu tiên và vẫn còn chặng đường dài phía trước cho đến khi COC được phát triển và thực thi.
Bởi lẽ, Bắc Kinh có truyền thống “nói một đằng, làm một nẻo” và thường đình chỉ các cuộc đàm phán bằng cách tự mình làm gia tăng căng thẳng với các nước.
HY VỌNG CHO COC
Cũng giống như người tiền nhiệm Hilary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ ủng hộ COC để đối phó với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng chéo ở khu vực này. “Là một quốc gia Thái Bình Dương và là quốc gia hùng mạnh, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, hoạt động thương mại một cách hợp pháp và tự do hàng hải trên biển Đông”, CNN dẫn lời ông Kerry khẳng định đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có tiến bộ trong quá trình đạt được COC.
Tuy nhiên, va chạm giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng trong năm qua sau nhiều lần đụng độ hải quân và việc Manila kiện Bắc Kinh lên Tòa án LHQ, đang phủ bóng đen lên nỗ lực này. Trong căng thẳng mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 2-7 bác bỏ cáo buộc của Philippines rằng, việc Bắc Kinh tăng cường quân sự đe dọa hòa bình và an ninh ở biển Đông. Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng, Bắc Kinh có quyền và lợi ích không thể bàn cãi ở quần đảo Hoàng Nham (Manila gọi là Scarborough). Theo nữ phát ngôn viên này, những căng thẳng gần đây trên biển Đông không phải do Trung Quốc gây ra, viện dẫn các tàu quân sự của Philippines quấy rối ngư dân Trung Quốc hồi năm 2012 cũng như việc Manila xâm phạm trái phép bãi đá của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Ian Storey, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định, COC là một cách để quản lý chứ không phải cách giải quyết vấn đề.
Khả Anh