Sáng 3-8, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 7-2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 bước sang giai đoạn 2.
 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. |
DỰ TRỮ ĐỦ NGUỒN HÀNG VÀ SẴN SÀNG CUNG ỨNG CHO NGƯỜI DÂN TRONG MỌI TÌNH HUỐNG Ngày 3-8, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã có văn bản về việc triển khai quyết liệt các giải pháp dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, Sở Công Thương TP đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi; các đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm; các đơn vị sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế trên địa bàn TP có trách nhiệm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn cung, vận chuyển và cung ứng hàng hóa, đồng thời thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa và đảm bảo đủ cung cấp hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế cho người dân trong mọi tình huống… Sở Công Thương TP cũng đề nghị Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, các ban quản lý chợ quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19; khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường hàng hóa dồi dào, góp phần tạo tâm lý an tâm, tin tưởng nơi người dân. Đặc biệt, Sở Công Thương TP đề nghị Cục QLTT TP phối hợp với các cơ quan chức năng khác và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán hàng hóa trên thị trường; tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, không tăng giá hàng hóa bất hợp lý, không tung tin đồn thất thiệt về thị trường; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý. PHÚ NAM |
Vững vàng trong mọi trường hợp
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng nêu rõ: Do dịch lần 2 phức tạp, chúng ta vẫn tiếp tục coi chống dịch như chống giặc, mỗi gia đình, mỗi thôn, bản, làng xóm là một pháo đài; mỗi người dân, là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Nhắc đến chủ trương lớn: Không để đứt gãy nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp trên nhiều khu vực khác nhau từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ để thúc đẩy tháo gỡ những khó khăn; đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, một khối lượng vốn đầu tư giải ngân tăng kỷ lục trong tháng 7.
Thủ tướng cho biết, các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhận định ngày 30-7, dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn chịu đựng tốt, dự báo Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới năm 2020 với mức tăng 2,8 %. Tạp chí Nhà Kinh tế nhận định Việt Nam là nơi trú ẩn ưa thích của các nhà đầu tư, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Đây là cơ sở, là niềm tin của các nhà đầu tư và các định chế tài chính về kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ đã có một số cuộc điện đàm rất thành công với EU, Thủ tướng NewZealand về mối quan tâm của các bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong phát triển hợp tác. Việt Nam là quốc gia độc lập, tự cường và là một quốc gia dưới sự lãnh đạo của Đảng vững vàng trong mọi trường hợp không có chuyện bị động, bất ngờ, lúng túng xảy ra trong tình huống cụ thể. Ngay cả trong dịp này, Thủ tướng khẳng định.
Tháng 8 có tính quyết định
Chiều 3-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, do tác động của dịch Covid-19 trở lại từ cuối tháng 7 nên khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn. Mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là giải ngân vốn ODA rất thấp. Sản xuất kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực rất khó khăn; khu vực dịch vụ chịu tác động rất lớn, nhất là hàng không, du lịch; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và số lao động mất việc làm tăng...
“Chính phủ xác định đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không; cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng; kiên định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng chống dịch và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra; đồng thời, phải tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, môi trường, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu một số giải pháp được Chính phủ đưa ra như: Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, nhưng đồng thời tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát; không được có bất cứ hạn chế nào; không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ", xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm.
Các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nỗ lực phấn đấu thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang, coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020.
QUỲNH NHƯ – TTXVN