* Đội Mỹ trở thành nhà Vô địch mới của DIFC; Ý và Nhật xếp thứ nhì
* Từ 2015, DIFC sẽ diễn ra 2 năm một lần
(Cadn.com.vn) - Tối nay (30-4), dòng sông Hàn bịn rịn chia tay hàng vạn bạn bè quốc tế và du khách bằng “bữa tiệc” ánh sáng mang đến từ “Khu vườn trên bầu trời” của đội Tamaya Kitahara (Nhật Bản) và “Dáng em đêm nay” của Mỹ. Đêm giã bạn dùng dằng diễn ra bên đôi bờ Hàn giang rực rỡ đèn màu, hoa đăng lấp lánh trên sông. Gần như nhân dân cả TP đã xuống đường để đắm mình trong bầu không khí đêm hội cuối cùng của DIFC 2013…
Lời tự tình ngọt ngào
Tiếp nối thành công trong đêm khai mạc, DIFC 2013 với chủ đề “Tình yêu sông Hàn” đã khép lại đầy lưu luyến. Dù mùa DIFC này thời tiết Đà Nẵng chuyển đổi thất thường, “bắt” du khách phải lo lắng bởi những cơn mưa giông, trận sấm bất chợt về chiều, nhưng không vì thế chuỗi ngày hội giảm đi sức hấp dẫn. Cũng “kịch bản” của đêm khai mạc, trước “giờ G” pháo bay, ông trời lại thương Đà Nẵng, tạo cơ hội để du khách khắp nơi xích lại gần nhau, tay trong tay ngắm “đại tiệc” và vui trọn đêm giã bạn ngọt ngào.
Đúng 20 giờ 30, khi màn pháo hoa của đội Nhật tung lên bầu trời, đôi bờ sông Hàn lung linh bừng sáng. Trên các cây cầu hiện đại bậc nhất Việt Nam: Cầu quay sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Thuận Phước, đến mọi ngả đường ven sông, từng đợt pháo tay của người “yêu pháo” vang lên rộn ràng. “Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phát biểu trong đêm khai mạc chẳng sai chút nào: Các Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng đã trở thành thương hiệu du lịch níu giữ chân du khách. “Lâu lâu tổ chức một lần thế này cho nhân dân, du khách xem, sướng con mắt thật”, cụ Nguyễn Văn Lành (65 tuổi), trú phường Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà xem pháo ở bãi đất trống sát mép khán dài C2 trên đường Trần Hưng Đạo phấn khởi nói.
Nếu đêm khai hội, sông Hàn thổn thức cùng “cảm xúc của dòng sông”của đội Ý với những màn pháo hoa đa sắc màu, cách tạo hình tinh tế, thì tối nay, Tamaya Kitahara, Cty pháo hoa nổi tiếng thế giới của Nhật Bản đã làm lay động lòng người khi vẽ nên một khu vườn hạnh phúc của Nhật Bản trên sông Hàn. Hàng loạt màu sắc lạ hòa quyện vào nhau của những hiệu ứng pháo hoa, có lúc dịu dàng im ắng, lúc dữ dội, mãnh liệt như đưa mỗi người xem lạc vào một khu vườn kỳ diệu, đậm màu sắc phương Đông. Mạnh mẽ ở phút khai màn, phần kết thúc đầy thú vị với màn pháo nước lấp lánh ấp ôm lấy những đóa hoa đăng trên sông nước mang đến cho người nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Và những tia hồng tía lay động lòng người ấy, chàng trai mang tên Tamaya đã chinh phục được “trái tim sông Hàn”.
Là đội cuối cùng tham dự DIFC 2013, “Dáng em đêm nay” của đội Mỹ cũng khiến lòng người ngất ngây khó tả, nhất là các thiếu nữ ven sông. Màn pháo quyến rũ với hình ảnh mái tóc dài thướt tha của “người yêu dấu” được những anh chàng cao bồi tạo ra trên trời cao, như đang nịnh yêu, ngợi ca vẻ đẹp quyến rũ của dòng Hàn giang lộng lẫy. Vóc dáng Đà Nẵng trẻ trung với những dãy nhà san sát chạy dọc đôi bờ sông Hàn cũng được gợi lên trời đêm với từng đợt pháo tầm trung, tầm cao, tầm thấp. Vũ khí lợi hại nhất của đội Mỹ phải kể đến sự xuất hiện vóc dáng 2 con rồng uy nghi đang vươn ra biển lớn, biểu tượng đã được công sức, trí tuệ của người Đà Nẵng xây dựng nên, mang đến cho người xem sự mãn nhãn cùng tận.
Các màn trình diễn đáng xem của đội Nhật:
Những màn trình diễn của tân vô địch DIFC 2013:
KẾT QUẢ CHUNG CUỘC
Giải Nhất
Đội Melrose Pyrotechnics (Hoa Kỳ):
Giải Nhì
Đội Tamaya Kitahara (Nhật Bản)
Đội Parente (Ý)
Giải Ba
Đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam)
Trung tâm Pháo hoa Khan (Nga)
 |
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, Chánh chủ khảo DIFC 2013 trao giải cho các đội |
Thành công như mong đợi
Phát biểu bế mạc DIFC, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định, đây là kỳ pháo hoa thành công mỹ mãn nhất trong 6 lần tổ chức DIFC. Đã có một cuộc lật đổ ngoạn mục, một tân vương lên ngôi bên cạnh những “thế lực” mới nổi. “Thành công của DIFC không chỉ là những màn trình diễn trong vòng 2 đêm mà tiếng vang của nó còn vươn xa ngoài Đà Nẵng, ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thương hiệu pháo hoa Đà Nẵng đã có một sức hút mãnh liệt đối với du khách gần xa. Với những gì đã định hình, chắc chắn năm 2015, DIFC sẽ trở lại với tầm vóc mới, hoành tráng hơn, chuyên nghiệp hơn những gì mà chúng ta đã mãn nhãn trong những ngày qua”, đồng chí Văn Hữu Chiến nói. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng quyết định từ năm 2015 trở đi, cuộc trình diễn DIFC sẽ tổ chức 2 năm một lần.
Xứng đáng nhà vô địch
Càng về khuya, đêm hội DIFC 2013 càng lung linh huyền ảo bên pháo sáng và hàng chục ngàn ánh hoa đăng dập dềnh trên sóng nước. Bạn bè khắp nơi tay trong tay lưu luyến không muốn rời sông. Đã 6 mùa DIFC trôi qua, đêm giã bạn bên sông Hàn năm nào cũng vậy, luôn là lời tự tình ngọt ngào, sâu lắng, đầy sức gọi mời, níu giữ chân người. Không phụ lòng mong đợi của nhiều người nán lại xem, sự kết hợp màu sắc hài hòa, đẳng cấp trong cách tạo hình và nhiều góc bắn lạ mắt, hoa mỹ, những chàng cao bồi Mỹ đã chinh phục được người hâm mộ và “trái tim” sông Hàn thông qua “Dáng em đêm nay” đã vượt trội, trở thành nhà vô địch mới của DIFC. Hai đội Ý và Nhật xếp thứ nhì. Dù không đạt kết quả như mong muốn, nhưng những màn trình diễn của đội Nga và chủ nhà Đà Nẵng cũng ban tặng cho người xem những “bữa tiệc” văn hóa đầy sắc màu lãng mạn.
Difc 2013 “mất” ít, “được” nhiều
Nhìn thẳng vào sự thật, DIFC 2013 vẫn còn không ít lời bàn ra, tán vào, từ vé chợ đen, số ít đơn vị, cá nhân lợi dụng lễ hội “chặt chém” tăng giá dịch vụ, các chương trình nghệ, ca nhạc “hơi loãng”… Song lễ hội lớn nào không có thiếu sót phải cải thiện. Song nhìn tổng thể, DIFC mỗi năm càng quy mô hơn, thu hút sự quan tâm của công chúng hơn. Năm 2013 cũng vậy, DIFC “được” nhiều hơn “mất”, thực sự tạo ra “cú hích” cho sự phát triển kinh tế, du lịch của TP.
Qua 6 năm diễn ra với kinh phí 100% xã hội hóa, DIFC đã trở thành thương hiệu của Đà Nẵng, thu hút sự chú ý của hàng trăm ngàn người dân và du khách trong và ngoài nước, thu hút sự quan tâm của du khách và các nhà đầu tư tìm đến. Nếu như DIFC đầu tiên (năm 2008) chỉ với vài chục ngàn du khách, thì năm 2012 đã tăng lên 300.000 người và DIFC 2013 có tới gần trên trên 300.000 khách đến. Điều đó khẳng định sự mời gọi, phát triển rất tốt của du lịch Đà Nẵng. Từ chỗ DIFC khách đến thưởng thức pháo hoa không có khán đài, thì năm 2009 thành phố đã đồng ý cho xây dựng các khu khán đài với hơn 6.000 chỗ ngồi và năm 2012, 2013 quy mô khán đài xem pháo hoa mở rộng lên trên dưới 30.000 chỗ.
Khẳng định được thương hiệu, quảng bá tốt đến đông đảo công chúng và thế giới nên nhiều công ty pháo hoa thế giới đã chủ động liên hệ để được tham gia sự kiện này. Việc đảm bảo ANTT, TTATXH, phòng chống cháy nổ… cũng được ngành CA và các cơ quan hữu trách chủ động với nhiều phương án kỹ càng, không để xảy ra sự cố lớn; quan khách quốc tế, khách TƯ và địa phương yên tâm mỗi khi nhận được lời mời về với DIFC. Riêng DIFC 2013, tình trạng trộm cắp, móc túi hiếm có.
Đáng mừng nhất phải kể đến lượng khách đến Đà Nẵng trong DIFC 2013 được trải đều trong suốt mùa lễ hội. Như những năm trước, khách đến sông Hàn chỉ để xem trình diễn pháo hoa, ngắm cầu quay rồi ra về thì DIFC 2013 gần như 100% khách đều tham gia khám khá các tour du lịch như: Thăm thú làng đá Non Nước, lên Bà Nà đi cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới, đặt tour du lịch bán đảo Sơn Trà… Tối về, khách lại xuống đường ngắm cầu quay, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Thuận Phước, hưởng thụ không khí mát lành lan tỏa từ sóng nước Hàn giang bên phố thị rực rỡ đèn màu.
Và tối nay, sau lời “hẹn gặp lại” DIFC 2015 của Đảng bộ và nhân dân TP, dú khách rời Đà Nẵng ra về trong quyến luyến, xúc động trước tấm thịnh tình hiếu khách của dân dân TP đầu biển cuối sông…
Công Hạnh-Công Khanh-Nguyễn Tuấn
Tin bên lề: Có vé không có ghế Trong 2 đêm 29 và 30-4, hàng chục du khách tại khán đài B3 tỏ ra rất bực mình khi phải bỏ ra từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng để mua vé vào xem DIFC 2013, tuy nhiên không thể tìm ra chỗ ngồi. Dù dã liên hệ với nhiều cơ quan chức năng để được hướng dẫn, nhưng lực bất tòng tâm. Để giải quyết cho du khách, cán bộ CNV làm công tác lễ tân của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phục vụ tại khu vực khán đài này đã phải “chữa cháy” bằng cách cho mượn ghế nhựa để ngồi xem tại khu vực sát mép sông. Đây cũng là kinh nghiệm mà các cơ quan chức năng cần phải tính trong các lễ hội sau. Giữ xe tự niêm yết giá Dù TP đã quy định chung về giá giữ xe cho người dân và du khách xem pháo hoa mức giá từ 2.000 đồng đối với xe đạp, 5.000 đồng đối với mô tô, nhưng tại nhiều điểm (nhất là các điểm gửi xe tự phát) đều tự niêm yết giá, trưng biển và thu mức 10.000 đồng/xe mô tô. Khi nghe chúng tôi phàn nàn, những điểm giữ xe hét lên “không thấy bảng giá ghi đó à? “Cò” vé làm cú chót Nhân cơ hội nhiều khách mời không đi xem pháo hoa tối bế mạc, rất nhiều “cò” vé tại đường Trần Hưng Đạo đã mua lại với giá 200-300.000 đồng các khán đài B2, B3 rồi ra đường cò kè, chào mới khách mua với giá 500-700.000 (tùy khán đài) hòng kiếm cú chót. |