Sáng 20-8, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2018, “Sâm Ngọc Linh” tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS. Diễn đàn có sự tham dự và chỉ đạo trực tiếp từ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, ông Achim Fock - Quyền giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cùng gần 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế. Diễn đàn đã lấy ví dụ cụ thể từ chuỗi giá trị sản phẩm sâm Ngọc Linh để từ đó hoạch định các chính sách nhằm hỗ trợ và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS trong giai đoạn kết hợp giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn môi trường.
 |
Các đại biểu và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng thảo luận tại hội thảo. |
Tiềm năng lớn nhưng nhiều hạn chế
Hội thảo đã xác định nguyên nhân khiến đồng bào DTTS ở Việt Nam đời sống còn nhiều khó khăn vì họ chưa biết tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình sinh sống. Theo báo cáo về giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam được công bố bởi Ngân hàng Thế giới thì trong giai đoạn vừa qua Việt Nam đã có nhiều thành tựu nổi bật với 3,3 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 2014-2016. Đồng bào DTTS cũng có những bước tiến lớn như tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ 57% năm 2014 xuống còn 44% năm 2016. 90% đồng bào DTTS được tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ kể trên, đồng bào DTTS vẫn còn tụt hậu về nhiều phương diện.
Theo bà Madhu Raghunath – Trưởng nhóm Chương trình Phát triển bền vững Ngân hàng Thế giới thì nguyên nhân chính khiến đồng bào DTTS ở Việt Nam bị tụt hậu, hạn chế đó là thiếu kỹ năng và thiếu nguồn tài chính phát triển kinh tế. “Mặc dù có nguồn nguyên liệu rất dồi dào nhưng hiện nay khâu buôn bán nông lâm sản của đồng bào DTTS phải qua trung gian là lái buôn. Chính vì họ có sản phẩm nhưng không có thị trường nên phải chịu cung cấp hàng hóa với mức giá rẻ. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào DTTS, đặc biệt là nhóm lâm sản ngoài gỗ là hướng đi đúng giúp bà con thoát nghèo”, bà Madhu Raghunath nói.
Để giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thị trường đầu ra, theo bà Madhu Raghunath, Việt Nam cần đầu tư hạ tầng cung ứng để phát triển chuỗi giá trị. Cần phải tạo ra sân chơi bình đẳng, cân bằng để đồng bào DTTS có thể tham gia vào thị trường. Bên cạnh đó, ngoài công tác nâng cao nhận thức thì đối với mỗi chính sách cho mỗi một dân tộc cần có cơ chế phù hợp với đặc điểm văn hóa của họ.
Tiếp tục ý kiến của bà Madhu Raghunath, ông Đào Thế Anh – Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng chính những chi phí cao trong việc vận chuyển nông sản từ miền núi tới tay người tiêu dùng là nguyên nhân khiến đồng bào DTTS không được hưởng nhiều lợi ích. “Hiện nay, thế giới đã có rất nhiều tiêu chuẩn cho các sản phẩm đó là các tiêu chí hữu cơ, organnic... Những tiêu chuẩn này giúp nâng cao chất lượng, nâng tầm thương hiệu nhưng đồng thời cũng là những bài toán khó đối với đồng bào DTTS. Chính vì vậy, chúng ta cần xóa bỏ khoảng cách về giáo dục, cung cấp chương trình đào tạo kỹ thuật như quản lý nông trại, kỹ năng kinh doanh, tăng cường kết nối... để hỗ trợ người dân tiếp cận chuỗi giá trị sản phẩm”.
Ông Lê Văn Nghị - Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng ngoài những yếu tố khách quan về lịch sử, địa lý, trình độ văn hóa thì một trong những nguyên nhân lớn làm cộng đồng DTTS Việt Nam mặc dù có tiềm năng lớn nhưng chưa phát triển được đó là vì họ chưa có khát vọng làm giàu. Ông Nghị đề xuất trong các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS cần chú ý vấn đề trên. Phải làm sao để người dân có thể yên tâm sống dưới rừng, làm giàu từ rừng nhưng vẫn phù hợp với văn hóa của mỗi địa phương.
 |
Đại biểu tham quan sản phẩm sâm Ngọc Linh trưng bày tại hội thảo. |
Xây dựng sâm Ngọc Linh thành mô hình điển hình
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đánh giá sâm Ngọc Linh là một trong những lâm sản ngoài gỗ điển hình với giá trị kinh tế cao. Xây dựng thành công chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh chính là tiền đề để phát triển các loại lâm sản ngoài gỗ khác. Để nâng cao giá trị cho sâm Ngọc Linh từ một loài thuốc quý của đồng bào DTTS trở thành sản phẩm quốc gia thì việc áp dụng KHCN là giải pháp đột phá, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở KHCN Quảng Nam cho biết: “Quảng Nam đang triển khai nhiều nhiệm vụ KHCN về nhân giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ, bảo quản sâm Ngọc Linh. Trong thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất giống và trồng khảo nghiệm cây sâm Ngọc Linh là định hướng nghiên cứu mới. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ thuộc Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sẽ là tiền đề để cung cấp cây sâm giống có chất lượng ổn định, mở ra triển vọng cho việc phát triển và thương mại hóa sản phẩm này”.
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Trồng sâm không phải chỉ dùng để thương mại, tạo ra sản phẩm mà trồng sâm còn là trồng rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ cái nôi văn hóa cho đồng bào DTTS. Không có biện pháp nào hữu hiệu để bảo vệ rừng mà vẫn đem lại thu nhập cao được như sâm Ngọc Linh. Hiện nay, các nước có sâm trên thế giới như Hàn Quốc, Nga, Mỹ đều đã có nền công nghiệp về cây sâm. Tỉnh đã có chương trình, kế hoạch nghiên cứu sâu về sâm Ngọc Linh để khoảng 5 đến 10 năm sau sản phẩm sâm Ngọc Linh của chúng ta có thể cạnh tranh với sâm trên thị trường thế giới. Sự thành công của cây sâm sẽ mở ra một hướng đi mới cho đồng bào DTTS Quảng Nam nói riêng và các địa phương khác nói chung nhằm hướng đến gia tăng giá trị sản phẩm. Để làm được điều đó, ngoài hạ tầng, tỉnh còn chú trọng đầu tư sản phẩm sâm, an ninh sâm, văn hóa sâm...”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết rất đồng tình với cách tiếp cận phát triển chuỗi giá trị trong phát tiển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; những khuyến nghị về thay đổi phương pháp tiếp cận từ “giảm nghèo” sang “làm giàu” vừa bảo đảm phù hợp nền kinh tế thị trường vừa dựa trên những lợi thế của khu vực miền núi. Phó Thủ tướng cho rằng những mô hình mà các đại biểu chia sẻ cho thấy cơ hội phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ ở khu vực miền núi mà chuỗi giá trị Sâm Ngọc Linh của Quảng Nam là điển hình.
“Nếu có phương pháp tiếp cận đúng, có chiến lược phát triển đồng bộ cùng với quyết tâm cao của chính quyền các địa phương và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, những thách thức trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có lời giải. Chỉ có đồng bào DTTS, những người sinh ra và lớn lên cùng với rừng mới là những người bảo vệ rừng tốt nhất, hiệu quả nhất. Phải viết nên những câu chuyện huyền thoại, truyền cảm hứng làm giàu của những tỷ phú sâm Việt Nam trên rừng đại ngàn Ngọc Linh”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương chủ động tìm kiếm những cơ hội, ngay từ chính diễn đàn ngày hôm nay để năng động, sáng tạo tìm ra hướng đi riêng phù hợp để phát triển nhanh, bền vững KT-XH của địa phương mình. Bên cạnh đó, khuyến khích Quảng Nam và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển cây sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với một loại dược liệu quý đã được công nhận là sản phẩm quốc gia.
HÀ DUNG